Cửa thoát hiểm mở trong giông bão

Toàn bộ guồng máy kinh tế toàn cầu đang chao đảo, bởi cuộc chiến thuế quan mà đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động. Song, ở một vài khía cạnh, những biến động dữ dội đó cũng đang trở thành cơ hội thay đổi, mở ra những bước chuyển mình tích cực, đặc biệt là với Liên minh châu Âu (EU).
0:00 / 0:00
0:00
"Đoàn kết lại, vì tương lai" - một thông điệp của Liên minh châu Âu.
"Đoàn kết lại, vì tương lai" - một thông điệp của Liên minh châu Âu.

Theo Euronews, mới đây, một bản báo cáo chiến lược mang tên “Trump The Unifier” của công ty nghiên cứu đầu tư BCA nhận định: Điều bất ngờ là chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đang thúc đẩy sự thống nhất thực thụ của thị trường chung châu Âu - điều hoàn toàn không được kỳ vọng. Ông Mathieu Savary, chiến lược gia trưởng của BCA về châu Âu, nhấn mạnh: “Thật trớ trêu, Tổng thống Trump đang làm nhiều hơn bất kỳ ai để thúc đẩy sự thống nhất của EU, từ trước đến nay”.

Theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia trong bản báo cáo ấy, mặc dù châu Âu khó tránh khỏi suy thoái, nhưng sự hỗ trợ tài chính phối hợp, chính sách tiền tệ nới lỏng từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và động thái thúc đẩy hội nhập mới “sẽ làm dịu đi tác động và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn”.

Một cách ngắn gọn, khi nước Mỹ siết chặt kiểm soát thương mại và áp đặt những chính sách thuế quan hà khắc, châu Âu lại có thể tìm thấy cho mình cơ hội thúc đẩy hội nhập, cải cách thị trường và thu hút đầu tư, trong dài hạn.

Đương nhiên, trước mắt, nền kinh tế châu Âu sẽ phải đối mặt những thách thức không hề dễ dàng, với không ít rào cản ngay trong nội tại. Khu vực đồng euro (eurozone) đang chịu ảnh hưởng bởi sự bất ổn, niềm tin kinh doanh suy yếu và chi tiêu giảm sút. Đến mức độ, trong quý IV năm 2024, GDP của toàn khu vực chỉ tăng trưởng khiêm tốn ở mức 0,1%.

Do đó, báo cáo của BCA cũng dự đoán: Những vấn đề thuế quan và sự bất ổn sẽ đẩy nền kinh tế EU vào suy thoái trong ít nhất hai quý liên tiếp nữa, đến khoảng giữa năm 2025. Ủy ban châu Âu ước tính thuế quan có thể làm giảm 0,2% GDP của eurozone vào năm 2027. Trong kịch bản xấu hơn, nếu thuế quan được áp dụng lâu dài, con số thiệt hại này có thể lên tới 0,5%-0,6% trong ba năm.

Bên cạnh đó, như giới chuyên môn lo ngại, các cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ sẽ diễn ra khó khăn, với nhiều mâu thuẫn khó giải quyết. Tuy nhiên, EU có lợi thế đàm phán khi Mỹ xuất khẩu nhiều dịch vụ sang EU hơn so chiều ngược lại, khi tổng thương mại song phương trong lĩnh vực này đạt 746 tỷ euro vào năm 2023. Từ đó, nếu đề xuất những kịch bản “đôi bên cùng có lợi”, thí dụ như cam kết mua thêm nhiều sản phẩm năng lượng từ Mỹ, các cuộc thương thảo có thể trở nên dễ dàng hơn.

Song, vấn đề quan trọng nhất chính là nâng cao nội lực của nền kinh tế. Để đối phó với tình trạng suy giảm niềm tin kinh doanh cũng như sự sụt giảm chi tiêu, BCA kỳ vọng các quốc gia như Đức sẽ triển khai các gói kích thích tài chính. ECB cũng có thể cắt giảm lãi suất và tiếp tục chương trình nới lỏng định lượng (QE), để tạo thêm thanh khoản.

Không chỉ vậy, EU cũng đang xem xét đa dạng hóa thương mại, tăng cường quan hệ với Ấn Độ, Canada, Mỹ latin và Anh để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Trong dài hạn, chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thúc đẩy EU hoàn thiện thị trường chung, loại bỏ các rào cản phi thuế quan giữa các quốc gia thành viên. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận xét: Các rào cản này hiện tương đương mức thuế 44% đối với hàng hóa và 110% đối với dịch vụ.

Trên thực tế, đa dạng hóa liên kết thương mại cũng đã và đang âm thầm diễn ra, ở phạm vi toàn cầu, sau khi chính sách thuế quan mới gây nhiều tranh cãi của nước Mỹ được áp đặt. Cho dù không muốn đương đầu trực tiếp với nền kinh tế lớn nhất thế giới, các nước EU cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác cũng đã nhanh chóng tìm kiếm cho mình những “cánh cửa thoát hiểm”, nhằm tránh nguy cơ suy thoái.

Có lẽ, đó cũng là một phần lý do để người đứng đầu Nhà trắng tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng thêm 90 ngày, gia tăng thêm thời gian cho các cuộc thương lượng. Toàn cầu hóa là một xu hướng khó có thể cưỡng lại, và nếu quá khắt khe, chính nước Mỹ cũng đã, đang và sẽ chịu đựng những thiệt hại kinh tế không dễ bù đắp, trong cảnh “lưỡng bại câu thương”.