Thực hiện tốt lời căn dặn của Người, nhiều phong trào thi đua phòng, chống tham ô, lãng phí đã được phát động, tạo ra những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, qua đó hình thành rất nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, huy động tối đa nguồn lực để thực hiện thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhận diện tình trạng, biểu hiện
Tuy nhiên, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... chưa có chuyển biến rõ rệt. Phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”.
Mới đây, phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền trung-Tây Nguyên, chiều 28/3 tại thành phố Đà Nẵng, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), đề cập đến tình trạng lãng phí hiện nay, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng tình trạng này “rất đáng báo động” và trên một khía cạnh “còn gây tổn thất cao hơn cả tham nhũng, tiêu cực”.
Theo Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (ngày 25/3/2025), từ sau Phiên họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo (ngày 31/12/2024) đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xử lý các công trình, dự án kéo dài, có nguy cơ thất thoát, lãng phí. Đã rà soát, phân loại xử lý 1.315 dự án đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách, dự án PPP có khó khăn, vướng mắc.
Nếu trước đây, lãng phí thường biểu hiện ở tình trạng quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả, thì trong bối cảnh mới, những biểu hiện của lãng phí rất đa dạng, đe dọa đến sự ổn định và phát triển bền vững quốc gia.
Một trong những “điểm nghẽn của điểm nghẽn” trong khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn lực đó là những rào cản về mặt thể chế, thể hiện ở những bất cập, chậm trễ trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách pháp luật. Tình trạng nợ đọng luật, sự chồng chéo trong những quy định ở một số bộ luật hiện hành; hiện tượng trục lợi chính sách; lợi ích nhóm trong xây dựng, ban hành luật; nhiều vấn đề mới, phức tạp nảy sinh nhưng thiếu cơ chế, chính sách hướng dẫn thi hành, sự chậm trễ và những vướng mắc trong xây dựng, triển khai thực hiện chính sách pháp luật gây khó khăn cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, gây lãng phí lớn về nguồn lực.
Đó là tình trạng lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt; lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước do bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; chất lượng, năng suất lao động thấp.
Lãng phí tài nguyên thiên nhiên, đất đai khi nhiều nơi khai thác bừa bãi, thiếu quy hoạch; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; việc thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội còn chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân; lãng phí trong phát hiện và trọng dụng nhân tài, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”…
Sự lãng phí đã và đang gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển đất nước; gây suy giảm nguồn lực con người, tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Đặc biệt, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
"Lồng cơ chế" và nguyên tắc 5 rõ
Để tạo thế và lực mới, đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên vươn mình, cần ngăn chặn kịp thời và đẩy lùi tình trạng lãng phí, tiêu cực. Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là "mệnh lệnh từ trái tim" mỗi người dân Việt Nam. Để xảy ra tình trạng lãng phí là có tội với Tổ quốc, dân tộc, với truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông, có lỗi với thế hệ mai sau.
Muốn vậy, “căn bệnh” lãng phí, tiêu cực cần được nhận diện, bắt đúng bệnh để có liệu pháp, liệu trình điều trị dứt điểm, tạo diện mạo và sức sống mới cho sự phát triển.
Trước hết, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên về những nguy cơ, tác hại và hậu quả nghiêm trọng của lãng phí, tiêu cực; nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trước vận mệnh, tương lai của dân tộc, đất nước, nhất là việc thực thi chức trách, nhiệm vụ trong cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp các cơ quan, đơn vị hành chính đang diễn ra hiện nay. Tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện thể chế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực. Trước mắt là tập trung thực hiện tốt Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 17/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí nhưng không làm mất đi động lực phấn đấu của bộ phận cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi. Đồng thời, hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động đối với mỗi cán bộ, đảng viên trên phạm vi toàn quốc.
Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại về phòng chống lãng phí, tiêu cực sẽ tạo “lồng cơ chế” để cán bộ, đảng viên không dám, không thể để xảy ra lãng phí, tiêu cực.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn liền với trách nhiệm của các chủ thể, các địa phương trong sử dụng, khai thác và phát huy nguồn lực. Thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, bảo đảm nguyên tắc “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả). Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí như: quản lý ngân sách nhà nước, tài sản công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; xây dựng; đất đai, tài nguyên, khoáng sản, năng lượng; tín dụng, ngân hàng; tổ chức bộ máy, quản lý nguồn nhân lực... Giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, quản trị thông minh; khơi dậy khát vọng sáng tạo, cống hiến của khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực cho sự tăng trưởng, phát triển của đất nước trong bối cảnh mới. Quản trị thông minh và chuyển đổi số cần được xác định là giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giúp minh bạch hóa thông tin, giảm thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của nhà nước, đồng thời là công cụ hữu hiệu trong phòng, chống lãng phí ở tất cả các cấp, các ngành.
Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác quản lý, giám sát; tạo sự minh bạch, khách quan, công bằng trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy nguồn lực.
Phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân với sự ra đời của các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo… để cùng với khu vực kinh tế nhà nước huy động và sử dụng đúng, hiệu quả các nguồn lực, tránh thất thoát, lãng phí, tạo động lực và trở thành đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng và hùng cường.