Kỳ vọng tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém

Chuyển giao ngân hàng yếu kém giúp khắc phục lỗ lũy kế và thoát khỏi kiểm soát đặc biệt. Trong khi các ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được ưu đãi để mở rộng quy mô tài sản, tín dụng, đồng thời thúc đẩy quá trình tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu kém.
0:00 / 0:00
0:00
Việc nhận chuyển giao tạo cơ hội cho Vietcombank mở rộng quy mô, cơ sở khách hàng và mạng lưới. Ảnh: NGUYỆT ANH
Việc nhận chuyển giao tạo cơ hội cho Vietcombank mở rộng quy mô, cơ sở khách hàng và mạng lưới. Ảnh: NGUYỆT ANH

Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố quyết định chuyển giao bắt buộc (CGBB) GPBank cho VPBank và DongA Bank cho HDBank. Trước đó, NHNN cũng đã thực hiện chuyển giao bắt buộc OceanBank (nay là MBV) cho MB và CB (nay là VCBNeo) cho Vietcombank. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, NHNN đã hoàn tất việc chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém, tất cả đều đã được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015.

Kế hoạch phát triển sau chuyển giao

Trong thông báo phát đi sau lễ chuyển giao, Vietcombank cho biết, ngân hàng sẽ có cơ hội mở rộng quy mô kinh doanh, phát triển cơ sở khách hàng và mạng lưới. Đặc biệt, Vietcombank sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Ngoài ra, tổ chức nhận chuyển giao còn có quyền quyết định xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc, bao gồm việc bán tổ chức nhận chuyển giao nếu tìm được đối tác nước ngoài phù hợp, hoặc thực hiện các phương án cải cách như chuyển đổi sang ngân hàng số.

Hơn nữa, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022, ban lãnh đạo Vietcombank đã nhấn mạnh rằng, việc nhận chuyển giao các tổ chức tín dụng yếu kém sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển ổn định và lành mạnh của ngành ngân hàng cũng như nền kinh tế. Điều này không chỉ giúp gia tăng lợi ích cho cổ đông mà còn tạo cơ hội cho Vietcombank mở rộng quy mô, cơ sở khách hàng và mạng lưới, qua đó nâng cao vị thế trong ngành tài chính.

Tương tự, đối với MB, Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái chia sẻ, tiếp nhận OceanBank đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển của MB. Theo đó, MB Group sẽ mở rộng thành một tập đoàn tài chính với ba ngân hàng (MB, MBCambodia và OceanBank) và sáu công ty thành viên (MBS, MBCapital, MIC, MB Ageas, MBAMC, Mcredit). Chính sự mở rộng này sẽ tạo ra động lực mới, giúp MB phát triển mạnh mẽ hơn trong ngành tài chính ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ 2024, Chủ tịch HĐQT MB cũng nhấn mạnh rằng, nếu được phê duyệt phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng, mức tăng trưởng của ngân hàng sẽ có thể đạt mức cao hơn, mở ra cơ hội phát triển lớn hơn trong thời gian tới.

Đối với VPBank, ngân hàng này cũng bày tỏ kỳ vọng rằng, việc tiếp nhận GPBank sẽ mang lại điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng và mạng lưới. Sau khi kết thúc phương án chuyển giao bắt buộc, VPBank có thể lựa chọn duy trì GPBank như một ngân hàng con hoặc bán, chuyển nhượng GPBank cho nhà đầu tư mới.

Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng đã chỉ ra rằng, mặc dù tham gia tái cơ cấu không mang lại lợi ích tài chính trực tiếp, nhưng VPBank sẽ được hưởng lợi từ việc có thể tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với trung bình ngành, đồng thời mở room sở hữu nước ngoài. Điều này sẽ giúp VPBank thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo ra sự phát triển bền vững trong tương lai.

Báo cáo phân tích mới nhất của Chứng khoán Rồng Việt cho biết, HDBank được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô tín dụng nhờ các cơ chế ưu đãi từ NHNN sau khi tiếp nhận DongA Bank. Bên cạnh đó, HDBank có thể tận dụng hệ thống 200 chi nhánh và phòng giao dịch của DongA Bank để gia tăng nhận diện thương hiệu và mở rộng mạng lưới khách hàng.

Mở lối thoát cho SCB

Sau khi các thương vụ chuyển giao bắt buộc hoàn tất, nhiều chuyên gia cho rằng, phương án mua bán sáp nhập (M&A) có thể là giải pháp được xem xét đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nhất là trong bối cảnh ngân hàng này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Tháng 12/2024, Chính phủ đã giao NHNN khẩn trương đề xuất phương án xử lý đối với SCB.

Nhận xét về tình hình hiện tại của SCB, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw cho biết, ngân hàng này vẫn đang trong diện kiểm soát đặc biệt từ cuối năm 2022. Sau một thời gian dài đối diện với khó khăn, SCB đã phải thu hẹp quy mô hoạt động, đóng cửa một số phòng giao dịch và hiện nay vẫn duy trì hoạt động nhờ các biện pháp hỗ trợ từ NHNN.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhận định, phương án xử lý SCB có thể bao gồm chuyển giao bắt buộc, tương tự như các ngân hàng yếu kém khác. Bởi lẽ, vụ việc SCB đã tạo ra những tác động đáng kể đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền, sự an toàn của hệ thống tài chính và cách thức quản lý rủi ro toàn ngành.

Đồng tình, một số chuyên gia nhận định, NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ tái cấu trúc SCB để bảo đảm quyền lợi cho người dân và người gửi tiền, ngăn chặn rủi ro lan tỏa ra toàn bộ hệ thống ngân hàng. Trong thời gian tới, phương án M&A cũng có thể là một trong những lựa chọn để giải quyết tình hình của SCB.

Sở dĩ các chuyên gia nhận định như trên là do để hỗ trợ quá trình chuyển giao các ngân hàng yếu kém trước đó, NHNN đã áp dụng chính sách tái cấu trúc ngân hàng, bao gồm việc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và tạo cơ chế sinh lãi để các ngân hàng có thể hoạt động độc lập trong tương lai.

Tuy nhiên, dưới góc độ của TS Bùi Duy Tùng, giảng viên Trường đại học RMIT, M&A ngân hàng là một quá trình phức tạp và có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, tùy vào tình hình cụ thể của từng ngân hàng.

Ông Tùng phân tích thêm, để thực hiện quy trình này, NHNN và các tổ chức tài chính cần thực hiện một cuộc kiểm toán toàn diện để đánh giá tình hình tài chính, nợ xấu, thanh khoản và các yếu tố liên quan đến SCB. Sau đó, lựa chọn đối tác mua lại hoặc sáp nhập, với tiêu chí đối tác phải có đủ khả năng tài chính, chiến lược phát triển dài hạn và có thể tiếp quản hiệu quả hoạt động của SCB.

Sau đó, định giá lại tài sản và nợ xấu của ngân hàng giúp các bên tham gia có thể xác định giá trị thực tế, từ đó đưa ra các điều khoản thương lượng. Cuối cùng phải xin phê duyệt từ NHNN và các cơ quan quản lý khác. Sau khi các điều kiện hoàn tất, quá trình sáp nhập sẽ diễn ra, bao gồm việc chuyển giao tài sản, khách hàng, nhân sự và các hoạt động kinh doanh. Quá trình này có thể kéo dài một thời gian để bảo đảm sự chuyển giao diễn ra thuận lợi và không ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan.

Một quyền lợi quan trọng khác là các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, như HDBank, sẽ được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Điều này không chỉ giúp tăng tính linh hoạt trong quản lý vốn mà còn gia tăng lượng vốn khả dụng để cho vay và đầu tư, từ đó tạo động lực tăng trưởng tổng tài sản nhanh hơn.