Gia tăng cơ hội cho người thu nhập thấp
Điển hình tại Singapore - một quốc gia có diện tích nhỏ, đất đai quý hơn vàng, với những chính sách mạnh mẽ đã đưa Singapore trở thành quốc gia điển hình thành công trong phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhà ở cho người dân thông qua mô hình các tập đoàn hoặc doanh nghiệp nhà nước. Đến nay có hơn 90% người dân Singapore sở hữu nhà, trong đó 83% số người được sở hữu nhà ở giá thấp. Để có được kết quả này là nhờ Chính phủ Singapore đã coi việc giải quyết nhà ở cho dân là nhiệm vụ ưu tiên số một.
Trước hết, để có nguồn vốn, Singapore đã thành lập và quản lý tốt khoản quỹ tiết kiệm của Quỹ tiết kiệm trung ương. Đây là quỹ bắt buộc, các tổ chức sử dụng lao động đóng 13% và người lao động đóng 20% tổng số lương hằng tháng vào quỹ này như một khoản tiết kiệm theo lãi suất ngân hàng để sử dụng mua nhà. KTS Nguyễn Khánh Bình (Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn), chia sẻ, để bảo đảm người dân đủ tiền mua nhà, Chính phủ Singapore xây dựng các gói cho vay sao cho mỗi tháng người dân chỉ phải trích dưới 20% thu nhập để trả. Gói vay sẽ cho vay đến 90% giá trị căn nhà với lãi suất rất thấp và được trả trong vòng 25-30 năm.
Điều đáng nói, với chính sách khuyến khích mua nhà, không khuyến khích thuê nhà, đã bảo đảm người dân Singapore có cuộc sống ổn định suốt đời không phải lo chuyện nhà ở.
Tại Hàn Quốc, từ năm 1970, một số công ty được thành lập và đảm nhận các dự án phát triển quỹ đất đô thị để xây dựng nhà ở xã hội và cung cấp nhà ở xã hội (để bán hoặc cho thuê) dưới mức giá thị trường. Trong đó, nhà ở xã hội để bán có giá chỉ bằng khoảng 80% giá thị trường, trong khi nhà ở xã hội cho thuê có giá chỉ bằng 50 đến 80% giá thị trường, tùy theo loại hình.
Với các quy định định lượng rõ ràng, minh bạch, Chính phủ Hàn Quốc chia dân số thành nhiều nhóm thu nhập: nhóm thu nhập thấp, thu nhập trung bình, nhóm không có khả năng mua nhà, nhóm mua nhà ở với sự hỗ trợ, nhóm tự mua… để phân bổ hài hòa sự hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Cũng là quốc gia thành công trong việc phát triển nhà ở, từ năm 2001, Thái Lan đã thiết kế một chương trình cho vay đối với các công chức, người làm việc trong cơ quan chính phủ. Ngân hàng Nhà ở tạo điều kiện cho người dân vay lên đến 100% giá trị căn hộ. Khoản tiền gốc và lãi (ưu đãi) sẽ được khấu trừ từ tiền lương của cán bộ, công chức.
Nâng chất lượng sống tại các dự án nhà xã hội
Theo nhiều nhà nghiên cứu, mỗi quốc gia đều có những đặc thù khác biệt. KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ về cách làm của Thụy Điển. Theo đó, quốc gia này không quy hoạch riêng khu đất để làm nhà ở xã hội, mà bố trí số lượng căn hộ nhà ở xã hội đan xen vào trong từng tầng của dự án nhà ở thương mại.
Lựa chọn của Singapore lại theo hướng, các cụm nhà ở được xây dựng theo nguyên tắc tạo ra một nơi ăn chốn ở, một nơi đáng sống chứ không chỉ là xây dựng cho thật nhiều căn hộ dồn nhiều dân số vào một khu vực. Theo đó, Singapore chú trọng đầu tư hạ tầng bảo đảm đồng bộ, đi cùng với nhà ở là hệ thống trường học, bệnh viện, công viên, khu ăn uống, giải trí… Có nghĩa, họ không cần ra khỏi khu phố vẫn có thể được hưởng mọi dịch vụ cần thiết, nhờ vậy giảm thiểu tình trạng kẹt xe.
Hay ở Thái Lan, Chính phủ quốc gia này đã xây dựng chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư xây dựng, cung cấp nhà ở xã hội. Giữ vai trò điều phối, Chính phủ Thái Lan trực tiếp tham gia kiến tạo, bán nhà ở xã hội thông qua Cơ quan Nhà ở quốc gia cho những đối tượng có thu nhập thấp.
Là người có những nghiên cứu sâu về thị trường bất động sản Việt Nam, ông Sopon Pornchokchai, Chủ tịch Chủ tịch Liên đoàn Bất động sản Thái Lan khuyến cáo, ở Việt Nam, mất độ dân số tại vùng lõi đô thị rất cao. Do vậy, Việt Nam nên phát triển nhà ở giá thấp, diện tích vừa phải ở vùng ven đô thị, nhưng phải đồng bộ về kết nối giao thông, hạ tầng dịch vụ và những tiện ích khác.