Rong ruổi những cung đường Vạn Tượng (Kỳ 3)

Kỳ 3: Câu chuyện bảo tàng
0:00 / 0:00
0:00
Anh Vath hướng dẫn du khách tham quan bảo tàng Khủng long ở Savannakhet.
Anh Vath hướng dẫn du khách tham quan bảo tàng Khủng long ở Savannakhet.

Chạm vào khủng long bạo chúa

Savannakhet rộng chừng 21 nghìn km2, có khoảng 1 triệu dân. Thành phố có một bảo tàng khủng long với những hiện vật xương khủng long và các loài cổ đại hóa thạch do các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện lần đầu năm 1936.

Nằm dưới bóng cây xanh, bảo tàng vốn là một biệt thự cũ của Pháp, như đang trong giấc ngủ trưa, khá thưa vắng du khách. Biển hiệu như một bức vẽ có hình hai chú khủng long mầu xanh ở hai bên, giữa là dòng chữ Lào cùng chữ Pháp: Musee des dinosaures. Cuối cùng là Tel&Fax(856) 41212597 P.O.Box739. Vé vào bảo tàng là 10 LAK (khoảng 17 nghìn đồng Việt Nam)/người.

Anh Vath (sinh năm 1965), người gắn bó với bảo tàng 16 năm nay, đưa chúng tôi đi tham quan. Tất cả chỉ có hai phòng nhỏ, cơ bản gồm các tủ kính chứa hiện vật với chú thích sơ lược bằng tiếng Lào. Những ngăn kéo lớn chứa xương khủng long, đá núi lửa… Trên tường là tranh ảnh về hoạt động khảo cổ của các nhà khoa học, hình vẽ minh họa, sơ đồ và đặc biệt là bức “tranh” bằng đường dây đèn nháy chạy qua cả mấy bức tường phòng trưng bày, tái hiện hình dạng loài khủng long thằn lằn được phát hiện từ kỷ Phấn trắng ở Savannakhet. Trên hình vẽ này tái hiện một bộ phận xương đuôi, chân loài khủng long này.

Xương khủng long từ thời kỷ Phấn trắng được nhà địa chất học người Pháp Josué Hoffet phát hiện ở khu vực làng Tang Vay của Savannakhet vào năm 1936. Nhưng phải đến những năm 1990, cuộc khai quật chính thức mới diễn ra. Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Quốc gia Pháp, do Phillipe Taquet dẫn đầu đã phát hiện ra rùa, hóa thạch cây và loài khủng long thằn lằn hộ pháp Tangvayosaurus Hoffetti (đặt theo tên ngôi làng và nhà khoa học Pháp đã phát hiện xương loài khủng long này). Tỉnh Savannakhet cũng là nơi có hơn chục địa điểm khai quật xương khủng long của 6 loài khác nhau.

Anh Vath thuyết minh tiếng Việt không hẳn rõ nhưng có vốn từ rất phong phú “cá chép, cá nước ngọt sông Mê Công, con rùa, các loại xương khủng long: lưng, đùi, cổ tay, cổ chân, xương vai, khớp háng, hóa thạch hơn 100 triệu năm… Núi lửa, đá trên trời làm khủng long chết hết…”. Tôi hỏi anh học tiếng Việt ở đâu, anh nói từng học ở Việt Nam. Vath cho tôi xem cả cuốn từ điển Việt - Lào mà anh để trên bàn cùng ảnh anh chụp với các nhà lãnh đạo Lào.

Không có tờ rơi thông tin, không có bất cứ một hình thức thuyết minh sinh động nào khác như phim, ảnh, âm thanh…, nhưng điều thú vị là bảo tàng yên ắng và đơn điệu này lại lọt mắt xanh của những vị khách du lịch ưa khám phá, yêu nghệ thuật. Derrick, một nghệ sĩ người Australia đã không chỉ kể chuyện mà còn vẽ những hình ảnh sinh động về bảo tàng khủng long của Savannakhet năm 2020 trên trang StickyMangoRice - nơi nghệ sĩ này tái hiện các điểm đến bằng hội họa của mình.

Derrick viết: “Mẫu vật ấn tượng nhất trong bảo tàng là bộ xương không hoàn chỉnh của Tangvayosaurus Hoffetti, một mẫu vật khủng long thằn lằn ở Savannakhet”. Và thú vị nhất là “du khách có thể trực tiếp chạm vào khủng long bạo chúa qua xương chân một con T-rex”.

Tuy nhiên, đáng tiếc là cho đến nay, những mô tả về trưng bày của Derrick ở bảo tàng đặc biệt này cơ bản vẫn vậy: những phần xương khủng long nằm trong các tủ kính, ngăn kéo; các chú thích cơ bản chỉ có tiếng Lào, đôi chỗ có tiếng Pháp, không hề có tiếng Anh. Xen giữa các mẫu xương khủng long thật lại là mô hình đồ chơi không mấy ăn nhập với hiện vật đặc biệt.

Với tất cả những điều này, bảo tàng khủng long ở Savannakhet là một kho báu chưa được khai thác hiệu quả. Có vô vàn câu chuyện kỳ thú phía sau các mẫu vật cũng như khả năng trưng bày sinh động để tạo nên một điểm đến có một không hai trên thế giới cho Musee des dinosaures. Thị xã có hẳn biểu tượng khủng long ở vườn hoa trung tâm và Công ty TNHH Nhà máy bia Savan ở tỉnh Savannakhet còn đưa hẳn hình chú khủng long thằn lằn hộ pháp lên sản phẩm beer savan, song hoạt động thúc đẩy du lịch bảo tàng vẫn chưa có đột phá.

Và một trong những bảo tàng địa phương tốt nhất Đông Nam Á

Đó là lời giới thiệu chính thức trên tờ rơi cũng như trang chủ của bảo tàng Xiengkhouang. Ra mắt năm 2018, với sự tài trợ của chính phủ Đức, nơi đây được trưng bày thật sự chuyên nghiệp với hệ thống hiện vật, thuyết minh phong phú, sắc nét làm nổi bật câu chuyện lịch sử, văn hóa của tỉnh biên giới Xiengkhouang.

Bảo tàng có 2 tầng trưng bày, lịch sử của Xiengkhouang được kể mạch lạc qua các bảng thông tin, tập trung vào khảo cổ học, lịch sử và các nền văn hóa sống của tỉnh Xiengkhouang, Lào. Như câu chuyện các nhóm dân tộc thiểu số, âm nhạc, truyền thống văn hóa khác và ảnh hưởng lâu dài của chiến tranh…

Điểm đặc biệt của triển lãm về khảo cổ học của bảo tàng là câu chuyện về hợp tác với một nhóm các nhà khảo cổ học và nhà bảo tồn quốc tế nghiên cứu Cánh đồng chum - Di sản văn hóa Thế giới thứ 3 của Lào được UNESCO công nhận vào năm 2019. 4 bộ phim ngắn bằng tiếng Lào và tiếng Anh làm nổi bật những câu chuyện này. Nhưng ấn tượng nhất với chúng tôi là một cửa hàng trưng bày các sản phẩm được sản xuất tại Xiengkhouang, nhằm giới thiệu và hỗ trợ hoạt động thủ công tại địa phương. Chúng tôi mua được một chú voi được đúc bằng vật liệu tái chế vốn là hợp kim sản xuất máy bay trong chiến tranh ở đây. Rõ ràng, hoạt động bảo tàng quảng bá văn hóa, lịch sử gắn liền với thúc đẩy sản xuất, phát triển sản phẩm địa phương là hướng đi đúng từ nhiều mô hình bảo tàng trong khu vực, trên thế giới.

Lịch sử ngay cả khi phải đi qua những nỗi đau cũng là một “tài sản” vô giá làm bài học cho sự đi lên của mỗi đất nước, mỗi địa phương. Đi qua những bảo tàng trên đất nước bạn, mỗi nơi một vẻ để thêm những trải nghiệm mắt thấy tai nghe và liên tưởng nhiều đến những nỗ lực của nhiều thế hệ trong phát huy vốn văn hóa như là một nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững.

Tôi hỏi anh học tiếng Việt ở đâu, anh nói từng học ở Việt Nam. Vath cho tôi xem cả cuốn từ điển Việt - Lào mà anh để trên bàn cùng ảnh anh chụp với các nhà lãnh đạo Lào.

(Còn nữa)

Rong ruổi những cung đường Vạn Tượng (Kỳ 1)

Rong ruổi những cung đường Vạn Tượng (Kỳ 2)