Xóa bỏ tệ nạn mê tín, dị đoan

Dòng người xếp hàng dài mua vàng trước cửa các công ty, cửa hàng vàng bạc, đá quý từ sớm ngày 25-2 (tức 10 tháng Giêng âm lịch, được coi là Ngày vía thần tài), trong mưa dày hạt và gió lạnh, phản ánh phần nào ước mong tài lộc, thành đạt, sung túc, giàu sang…

Xóa bỏ tệ nạn mê tín, dị đoan

Những đoàn người tập trung đông đảo tại các điểm thờ tự nhân dịp lễ hội truyền thống, nhân những ngày đi lễ đầu năm, tất nhiên cũng xuất phát từ nguyện vọng cầu gia sự bình an, phát tài, phát lộc… Nhưng tiền giấy được cài vào nhiều vị trí trong di tích cho đến cả tay tượng Phật, tượng La Hán. Và chân, tay nhiều pho tượng bị người dân xoa tiền, xoa tay để “lấy lộc” đến mức bóng loáng. Còn những bể hóa vàng thì ngùn ngụt lửa, ngùn ngụt khói. Đâu đó, trong thực hành nghi lễ, đã xuất hiện cả những “giá” hầu mới với nhân vật của thời hiện đại.

Hoạt động nghi lễ, sinh hoạt tâm linh, các hoạt động có liên quan một phần đến tâm linh, tín ngưỡng… đã là một phần trong đời sống xã hội. Nhưng qua những năm dài trầm lắng do hoàn cảnh chiến tranh, do đầu những năm hòa bình kinh tế khó khăn, do các quy định pháp luật…, đến khi phục hồi, theo nhiều ý kiến chuyên gia, lại có phần thái quá. Có nhiều biểu hiện phô trương và lãng phí. Đã xuất hiện những hành vi lệch lạc trong thực hành nghi lễ. Đồng thời, sự mê tín, dị đoan có chiều hướng lan rộng, ăn sâu hơn vào các hoạt động đời sống xã hội.

Kinh tế phát triển hơn, hoạt động xã hội mở rộng, sinh hoạt văn hóa, trong đó có sinh hoạt nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng… được tôn trọng và có cơ sở pháp luật để định hướng, điều chỉnh. Tuy nhiên, cùng với hiện tượng dành nhiều nguồn lực kinh phí, vật chất, thời gian cho việc lễ, thì xu hướng kém văn minh, sa vào mê tín, dị đoan lại làm xấu đi vẻ đẹp văn hóa, nghệ thuật, làm mờ nhòa những giá trị chân, thiện, mĩ gắn liền với các sinh hoạt nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng. Và câu hỏi về nghịch lý xã hội hiện đại hơn, đổi mới, văn minh hơn, nhưng lại thêm nhiều biểu hiện mê tín, dị đoan cùng những hủ tục mới, vẫn lơ lửng.

Đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, điều chỉnh nhằm xóa bỏ tệ nạn mê tín, dị đoan, đồng thời tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh công cộng trong các hoạt động lễ hội đầu năm. Nhưng còn đó những nguy cơ có hại do sự thái quá, lệch lạc trong suy nghĩ, hành vi khi tham gia vào các sinh hoạt nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng hoặc thực hành nghi lễ trong đời sống. Vấn đề lớn này không riêng thuộc vai trò quản lý, điều chỉnh của ngành văn hóa.