Đồng bộ giữa ý thức, hạ tầng và công nghệ
Lối sống thân thiện và hòa hợp thiên nhiên vốn có gốc rễ lâu đời trong văn hóa Nhật Bản. Cùng với đó, hạn chế về tài nguyên đã hình thành tư tưởng tiết kiệm, tận dụng mọi thứ được coi là bỏ đi. Sau thời gian dài trải qua nhiều thảm họa môi trường tự nhiên lẫn nhân tạo, họ hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên và tái chế. Vì thế người dân Nhật hết sức tuân thủ những điều luật liên quan môi trường. Ngay từ năm 1900, hai đạo luật quan trọng liên quan trách nhiệm xử lý chất thải và nước thải đã ra đời vào thời cải cách Minh Trị. Tới năm 1954, Đạo luật Vệ sinh công cộng (1954-1970) tiếp tục ra đời, hoàn thiện hơn với quy định trách nhiệm của chính phủ về việc quản lý và hỗ trợ công nghệ lẫn tài chính cho các hoạt động xử lý chất thải.
Tuy vậy, thập niên 80-90 của thế kỷ trước, việc kinh tế phát triển quá nóng đã dẫn tới nhiều thảm họa môi trường kinh hoàng như ô nhiễm tại đảo Teshima (tỉnh Kagawa) do chất thải công nghiệp đổ trái phép, gây nhiễm độc diện rộng với nhiều kim loại nặng như chì, crom, cadimi… Chính vì vậy, thập niên 90 là giai đoạn nhiều đạo luật về môi trường ra đời, đặc biệt chú trọng vào việc gia tăng trách nhiệm của nhà sản xuất và chú trọng các quy định về tái chế.
Công nghệ và hạ tầng là hai yếu tố liên quan chặt chẽ với nhau và có ý nghĩa then chốt với việc bảo vệ môi trường. Sự ra đời của các đạo luật về môi trường nói trên đã mở đường cho sự xuất hiện của cơ sở đốt rác đầu tiên ở tỉnh thành phố Osaka vào năm 1903. Hiện tại, có tới 78% lượng rác thải đô thị ở Nhật được xử lý tại các nhà máy đốt. Tính đến năm 2022, con số các nhà máy tăng lên 1.016 do phương pháp này có thể giảm lượng rác thải nhanh chóng và nhiệt năng trong quá trình đốt có thể tái sử dụng để sản xuất điện.
Ngoài rác nhựa, giấy, chai nhựa, nhôm và thủy tinh được thu gom riêng để tái chế, hầu hết rác thải còn lại đều được xử lý tại các cơ sở đốt rác hoặc xử lý tại các bãi chôn lấp. “Hiện nay, hoạt động xử lý rác tại các nhà máy đều tuân thủ khuôn khổ “Sáng kiến 3R”, có thể hiểu là “giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế”. Thêm vào đó, năm 2021 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra “Kế hoạch đối phó sự nóng lên toàn cầu” với sự bổ sung yếu tố mới là “tái tạo” cho Sáng kiến 3R. “Đây là một bước chuyển quan trọng cho việc bảo vệ môi trường, xây dựng kinh tế tuần hoàn và bảo đảm dân sinh”, ông Seiji Hashimoto, giảng viên Khoa học và Kỹ thuật, Trường đại học Ritsumeikan (Kyoto) chia sẻ. Ngay cả các bãi chôn lấp rác cũng được xây dựng đặc biệt ở cách xa khu dân cư. Là một quốc gia thường chịu thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần hay lũ lụt, nên vị trí các bãi chôn lấp thường được chọn kỹ lưỡng, xây dựng kiên cố bảo đảm độ ổn định cao nhất có thể và đi cùng các công nghệ xử lý khử độc cho đất, nước ngầm và không khí.
Tăng cường giảm khí thải
Tại Nhật Bản, ngành vận tải chiếm 18,5% lượng khí thải CO2 trong năm 2022, trong đó ô-tô chiếm 85,8% tổng lượng khí thải. Dù vậy, rất khó có thể tìm thấy một chiếc xe ô-tô nào xả khói mù mịt ở Nhật, ngay cả khi đó là một đô thị sầm uất như Tokyo hay khu vực thôn quê Kyoto. Lý do là chính phủ quy định nghiêm về lượng phát thải của xe ô-tô dành cho nhà sản xuất. Đối với nhiên liệu, Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết, nước này đặt lộ trình tới năm 2030, tất cả xe ô-tô sản xuất mới sẽ đều tương thích với xăng sinh học, đồng thời bắt buộc các đơn vị liên quan thực hiện. Ngoài ra, các loại xe điện ở Nhật cũng rất được khuyến khích và sử dụng rộng rãi.
Những quy định phát thải cũng rất nghiêm ngặt đối với các cơ sở đốt rác công và tư nhân. Vì thế, nếu không có biển báo, nhiều người khi bước vào một nhà máy đốt rác chắc chắn sẽ nhầm lẫn với tòa nhà bình thường bởi không hề có mùi khó chịu hay khói bụi. Tại nhà máy số 2 thuộc Trung tâm Vệ sinh phía nam Kyoto thường xuyên có nhiều lượt khách và học sinh các cấp học đến tham quan quy trình xử lý đốt rác mà không lo ngại về bất kỳ điều gì liên quan sức khỏe. Tất cả khâu xử lý từ phân loại, ủ rác hữu cơ, đốt rác cho tới xử lý khí thải đều được khép kín và tự động hóa bằng máy móc. Các khu vực này được ngăn cách với bên ngoài bằng kính và các kỹ sư thường xuyên kiểm tra mọi khâu hoạt động từ buồng điều khiển thông qua camera giám sát.
Khi trực tiếp tìm hiểu quy trình hoạt động của nhà máy này, chuyên gia vận hành, anh Kinashi Masaki cho biết: “Trước tiên, chúng tôi xử lý rác thải bằng phương pháp đốt ở nhiệt độ 900oC liên tục, trừ trường hợp sự cố hoặc bảo trì, do việc khởi động lại lò sẽ tốn nhiên liệu, thời gian và công sức hơn. Nhà máy cũng không sử dụng than đá, khí đốt hay xăng, dầu mà toàn bộ nhiên liệu đốt lò chính là rác thải. Rác thải hữu cơ sẽ được xử lý bằng chất hóa học trong bồn chứa để sản xuất khí gas sinh học. Đối với kim loại và các vật liệu có thể tái sử dụng sau quá trình phân loại và đốt rác, chúng tôi sẽ bán cho các đơn vị tư nhân để xử lý và tái chế. Còn phần tro sau khi đốt rác hoàn thành sẽ được chuyển tới khu vực chôn lấp. Cuối cùng, nhiệt năng từ quá trình đốt rác, khí gas từ hai bồn xử lý rác hữu cơ sẽ được chuyển hóa thành năng lượng và khí đốt phục vụ dân sinh”.
Theo số liệu nhà máy cung cấp, cứ mỗi 6 giờ nhà máy có khả năng phân loại được 180 tấn vật liệu tái sử dụng. Với công năng như vậy, toàn bộ hoạt động của nhà máy dựa vào chính năng lượng sau khi xử lý rác thải. Ngoài ra, cơ sở này cũng bán điện cho các công ty năng lượng và đủ khả năng cung cấp điện cả năm cho 22.000 hộ gia đình. Trung bình một năm nguồn thu đến từ việc bán điện vào khoảng hơn 1 tỷ yên (tương đương 6,5 triệu USD).
Tuy vậy, anh Masaki cũng chỉ ra một số vấn đề đối với quy trình xử lý rác thải ở Nhật Bản. Trước hết, chi phí xây dựng một nhà máy đốt rác hiện đại như vậy là hơn 30 tỷ yên (khoảng 195 triệu USD). Dù được chính phủ cấp tiền để đốt rác và thêm nguồn thu bán điện, nhà máy này cũng phải cần tới hơn 30 năm mới có thể thu hồi chi phí bỏ ra ban đầu. Đó rõ ràng là khoản đầu tư không nhỏ đối với các quốc gia đang phát triển và cần sự tính toán kỹ lưỡng trong chính sách nếu muốn bảo đảm cân bằng với mục tiêu bảo vệ môi trường.
Tiếp đó, mặc dù lượng tro bụi sau khi đốt rác chỉ chiếm 1/20 lượng rác thải ban đầu, nhưng việc thiếu nơi chôn lấp vẫn là vấn đề “đau đầu” của Chính phủ Nhật Bản. Ngày càng khó tìm các khu vực bảo đảm các yêu cầu cách xa khu vực dân sinh, ổn định trước động đất, bão, lũ lụt… Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm thu gom và tái sử dụng tro bụi, song công nghệ hiện nay chưa thể biến chúng thành vật liệu an toàn vì còn chứa nhiều chất có hại cho sức khỏe. Nếu có giải pháp tái chế thì chi phí cũng rất đắt đỏ và không thể xử lý hàng loạt.
“Khu chôn lấp của nhà máy số 2 cũng chỉ có thể chứa lượng tro bụi trong khoảng 50 năm nữa. Nhưng với lượng rác thải đô thị ngày càng tăng hiện nay, “tuổi thọ” của khu chôn lấp có thể thấp hơn nữa. Bởi vậy, khuyến nghị người dân tiết kiệm cũng là một trong những phương án tối ưu hiện nay. Đơn cử như người Nhật có thói quen vứt bỏ đồ ăn hết hạn, nên chúng tôi luôn khuyến khích mọi người sử dụng thực phẩm hợp lý để giảm lượng rác thải sinh hoạt”, anh Misaki cho biết.