1/Trong ký ức của ông Lê Văn Kỉnh (Lê Thành), nguyên công nhân in Báo Nhân Dân số 1, Giám đốc Nhà in Báo Nhân Dân Hà Nội, từ năm 1950, để chuẩn bị cho việc in Báo Nhân Dân, Trung ương đã tăng cường năng lực Nhà in Việt Hưng ở Văn Lãng, Đại Từ, Thái Nguyên. Nhà in này được tập hợp các xưởng in như: Xưởng in Quyết Thắng của Khu ủy 12; Xưởng in Ấn Loát 3 (Bộ Tài chính); Xưởng in của Tổng Công đoàn cùng nguồn lực của Nhà in Việt Hưng cũ. Nhà in chỉ có mỗi 2 chiếc máy in.
Ký ức về những thiết bị đầu tiên như thế với việc vận chuyển chiếc máy in Pê-đa-lét về đến ghềnh Quýt ở Tuyên Quang bị đứt dây rơi một thành máy xuống sông, mấy tuần mới vớt được; rồi giấy in là giấy giang, nứa với mực in mua từ vùng Pháp chiếm đóng gửi ra, cùng nhiều kỷ niệm nhọc nhằn khác sau này, sẽ là những trang vàng trong lịch sử nhà in báo Đảng. Trong đó có hoàn cảnh đáng nhớ vào tháng 10/1954 về Thủ đô, do chưa có nhà in riêng, Báo Nhân Dân được in phân tán tại nhiều cơ sở trong thành phố. Trung ương Ðảng đã quyết định và Ban Biên tập Báo Nhân Dân trực tiếp chỉ đạo kế hoạch xây dựng Nhà in Báo Nhân Dân, trên cơ sở tiếp quản Nhà in IDEO (Viễn Ðông Ấn đường) tại 24 Tràng Tiền. Thông tin tư liệu cho biết: Cuối tháng 4/1955, Nhà in Báo Nhân Dân bắt đầu hoạt động, in một phần số lượng Báo Nhân Dân. Ngày 30/4/1955, toàn bộ số lượng Báo Nhân Dân số 425 ra ngày 1/5/1955 được in hai mầu với măng-séc mầu đỏ cờ rực rỡ đã tiếp nối nhau tuôn ra từ những cỗ máy in cuộn ty-pô LB 201.
Từ đó, ngày 30/4 hằng năm được lấy làm ngày truyền thống kỷ niệm thành lập Nhà in Báo Nhân Dân Hà Nội.
![]() |
Kiểm tra chất lượng báo in. |
2/Và như những dòng hồi ức của ông Đào Duy Thành, nguyên công nhân sắp chữ in Báo Nhân Dân số 1, Phó Giám đốc Nhà in Báo Nhân Dân Hà Nội, đại thắng mùa xuân ngày 30/4/1975, đúng kỷ niệm 20 năm nhà in đã mở ra những trách nhiệm mới, đưa báo Đảng đến với đồng bào của đất nước thống nhất. Thời điểm đó, nước bạn CHDC Đức đã viện trợ cho nhà in các máy in cuộn ty-pô hiện đại Plamag với năng suất đến 40 nghìn tờ/giờ khổ Nhân Dân 4 trang. Khi đó, báo in từ Hà Nội được chuyển bằng đường hàng không vào TP Hồ Chí Minh. “Trung ương Đảng đã chỉ đạo Báo Nhân Dân, Nhà in Báo Nhân Dân và các cơ quan liên quan tập trung nguồn lực để thành lập Nhà in Báo Nhân Dân tại TP Hồ Chí Minh năm 1976, Nhà in Báo Nhân Dân Đà Nẵng năm 1978”, ông Thành nhớ lại.
![]() |
Chuẩn bị xuất xưởng. |
Hôm nay, sau bảy thập kỷ xây dựng và phát triển từ khi chính thức đặt tên Nhà in Báo Nhân Dân tại 24 phố Tràng Tiền, Hà Nội ngày 30/4/1955, bao nhiêu mồ hôi, sức lực, trí tuệ đã được góp vào để mỗi trang báo như chiếc lá xanh vươn lên ngày ngày. Nhiều chặng đường, nhiều đầu công việc lớn nhỏ khác nhau, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, kỹ thuật viên In Hà Nội vẫn đang làm việc, cống hiến ở gần Báo Nhân Dân, gần hồ Gươm - trung tâm thiêng liêng của Thủ đô.
Trong đó có dấu mốc năm 1992, chuyển địa điểm sang 15 phố Hàng Tre; dấu mốc tháng 3/2010, chuyển đổi mô hình, nhà in mang tên mới: Công ty TNHH MTV In Báo Nhân Dân Hà Nội. Nhiều lớp lãnh đạo, cán bộ nhà in - công ty còn điểm lại những bước khởi đầu mới trong mấy thập kỷ qua từ Đổi mới năm 1986 đến nay. Đó là thời điểm chuẩn bị phục vụ Đại hội Đảng lần thứ VI, nhà in được trang bị cỗ máy in ốp-xét cuộn bốn mầu RO96 do CHDC Ðức chế tạo, giúp in báo 4 mầu bằng phương pháp ốp-xét trên máy in cuộn với thời gian in chỉ tính bằng giờ, mở ra quá trình chuyển đổi công nghệ in báo từ ty-pô cuộn sang ốp-xét cuộn… Rồi năm 1990, việc thành lập Phòng Sắp chữ điện tử đã khởi đầu cho trào lưu vi tính hóa khâu sắp chữ của các báo. Còn phải kể năm 2006, nhà in triển khai công nghệ chế bản CTP (Computer - to - Plate) nâng cao chất lượng in, rút ngắn thời gian của quy trình xuất bản. Qua nhiều năm, nhiều loại máy hiện đại đã được trang bị, công nghệ mới đã được áp dụng, giúp in nhanh, in đẹp, tăng sản lượng, tiết kiệm thời gian, chi phí. Uy tín nhà in - công ty in càng lan tỏa.
“Do còn lạ lẫm với thiết bị hiện đại, đều mới mẻ với mọi người, nên phải vừa học, vừa làm, hầu như chúng tôi không để ý đến giờ giấc làm việc. Thời gian đầu chủ yếu chỉ làm giờ hành chính, vậy mà có hôm ngẩng lên đã 6, 7 giờ tối. Nhưng mà vui. Xin nói thêm là Phòng máy tính ngày đó rất quan trọng, người không có máy điều hòa nhiệt độ để dùng, nhưng phòng máy phải có điều hòa và đặc biệt là “KHÔNG PHẬN SỰ MIỄN VÀO” (đồng chí Hoàng Ngọc Thạch, nguyên Phó Giám đốc công ty, nhớ về cuối những năm 1980).
3/In Báo Nhân Dân và các ấn phẩm, công ty còn mang trách nhiệm quan trọng: In văn kiện, tài liệu của Đảng và Nhà nước phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan trung ương và nhiều đợt sinh hoạt chính trị lớn của đất nước. Thị trường xuất bản và dịch vụ in ấn phát triển, công ty tích cực hợp tác, chế bản và in ấn nhiều loại ấn phẩm như sách, báo, lịch, catalogue, tờ rơi, bao bì… phục vụ nhiều đơn vị báo chí, xuất bản và nhu cầu xã hội. Thương hiệu In Báo Nhân Dân Hà Nội đang được khẳng định với nhiều đổi mới sáng tạo thành công. Chuẩn bị kỷ niệm 70 năm và đón nhận Huân chương Lao động hạng ba, hồi ức lại ùa về trong niềm bồi hồi của các thế hệ Nhà in Báo Nhân Dân Hà Nội xưa, Công ty TNHH MTV In Báo Nhân Dân Hà Nội nay.
Công ty đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng nhất năm 2005; Huân chương Độc lập hạng nhì năm 2000; Huân chương Lao động hạng nhất năm 1985; Huân chương Lao động hạng nhì năm 1980; Huân chương Lao động hạng ba năm 1960 và nhiều bằng khen, giấy khen khác của các bộ, ban, ngành, đoàn thể.