Hai tháng đầu năm 2025, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Tổng kim ngạch đạt 9,38 tỷ USD, tăng 8,3% so cùng kỳ năm trước. Năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng tới 25% so năm 2023. Nhưng theo Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cảnh báo về tồn dư hóa chất, kháng sinh, tăng gấp đôi so với năm 2023, với 114 cảnh báo từ EU. Hai tháng đầu năm 2025, Việt Nam tiếp tục nhận 16 cảnh báo của EU, nhiều nhất khu vực châu Á. Những nước tiếp theo là Thailand với 6 cảnh báo, Indonesia và Hàn Quốc, mỗi nước 2 cảnh báo.
Doanh nghiệp thiệt hại
Công ty CP Ameii Việt Nam (doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây, rau, củ...), thời gian qua đã mở rộng mạng lưới thị trường tới khoảng 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc công ty, thách thức lớn nhất khi xuất khẩu nông sản là vượt qua nhiều hàng rào kiểm định khắt khe về an toàn thực phẩm, tồn dư hóa chất. Đặc biệt, thị trường EU ngày càng siết chặt kiểm dịch thực vật, kiểm tra tồn dư các hoạt chất cấm trong nông sản.
“Thời gian gần đây, thị trường EU có nhiều quy định cập nhật. Họ yêu cầu đối tác xuất khẩu phải tăng cường kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, nhiều tiêu chí mới đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị để chuyển đổi xanh cho sản phẩm của mình”.
Chỉ riêng hai tháng đầu năm, EU đã phát đi 624 thông báo, cảnh báo đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường này. Riêng số lượng đến Việt Nam chiếm tỷ lệ 2,6% trên toàn bộ hệ thống cảnh báo từ EU.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, trong 16 cảnh báo này có tới 8 cảnh báo liên quan sản phẩm mới và sản phẩm tổng hợp. Ngoài ra còn có cảnh báo vi phạm về ghi nhãn hàng hóa. Đã có trường hợp tới 40% lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị thu hồi và tiêu hủy, gây thiệt hại rất lớn. Đáng buồn là những thiệt hại này xảy ra chủ yếu do doanh nghiệp thiếu thông tin.
“Đơn giản nhất như là hạt é khô, nước hạt é hay thịt ốc bươu… Nhiều doanh nghiệp cho rằng, sản phẩm sử dụng ở Việt Nam bình thường thì cũng xuất đi được. Thực tế đây là sản phẩm xuất khẩu mới, đòi hỏi phải được xem xét, đánh giá theo một quy trình chặt chẽ tại thị trường EU. Nếu biết EU không cho nhập khẩu thịt ốc bươu thì doanh nghiệp chẳng dại gì mang cả container sang để bị thu hồi. Đó là do chúng ta nắm thông tin thị trường chưa tốt”, ông Nam lấy thí dụ.
Bên cạnh đó, một trong những hạn chế khiến cảnh báo ngày càng gia tăng là do người sản xuất. Một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, phân bón đúng hướng dẫn. Khảo sát tại Thừa Thiên Huế năm 2020 cho thấy, 95% số hộ nuôi tôm sử dụng kháng sinh. Mặt khác, tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đạt. Thí dụ, sầu riêng chỉ giám sát 52% vùng trồng và 47% số cơ sở đóng gói.
Việt Nam cũng chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản như: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP... Hầu hết vi phạm chỉ bị xử lý hành chính. Trong một số trường hợp, sản phẩm có chứa độc tố gây ảnh hưởng sức khỏe người dùng. Xét về mặt bản chất, hành vi này cần có chế tài nghiêm khắc hơn.
Nguy cơ mất thị phần
Năm 2025, xuất khẩu nông sản được giao chỉ tiêu 64-65 tỷ USD và có thể phấn đấu đạt 70 tỷ USD. Thách thức đối với ngành nông nghiệp hiện nay là vừa giữ vững các thị trường truyền thống, vừa phải mở rộng, tiếp tục chinh phục nhiều thị trường khó tính. Nếu cảnh báo vi phạm gia tăng sẽ khiến đối tác e dè đối với nông sản nước ta. Chính vì vậy, cần một tư duy làm nông nghiệp bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Nói như Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, làm ăn không nghiêm túc sẽ ngay lập tức mất thị phần. Mất thị trường, thiệt hại lớn cho cả doanh nghiệp và nông dân.
Ông Ngô Xuân Nam đề xuất sự vào cuộc đồng bộ của vùng trồng, vùng nuôi, doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến, hiệp hội ngành hàng... “Không cách nào khác, phải tăng cường liên kết để chuẩn hóa sản phẩm ngay từ nguyên liệu đầu vào. Chỉ khi nào từng khâu làm tròn trách nhiệm của mình, nền nông nghiệp Việt Nam mới thoát cảnh e dè trước những thay đổi của thị trường nhập khẩu”, ông Nam nhấn mạnh.
Các chuyên gia đều nhận định, trong thời gian tới, cần sự nỗ lực phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành địa phương và T.Ư cũng như hiệp hội ngành hàng. Thông qua đó hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, tuân thủ quy định của các thị trường...
Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn mới của nước nhập khẩu. Các tiêu chuẩn này thay đổi liên tục, nhất là tại thị trường EU. Theo Văn phòng SPS Việt Nam, các doanh nghiệp lớn, nhất là khối có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đều có bộ phận kỹ thuật chuyên trách. Bộ phận này phải nhanh chóng tiếp cận thông tin mới từ thị trường, để tránh vi phạm.
“Doanh nghiệp phải luôn ý thức trong việc tuân thủ quy định của đối tác nhập khẩu. Bởi đây không chỉ là uy tín của doanh nghiệp, mà chính là uy tín của cả ngành nông nghiệp. Không thể để tình trạng “con sâu làm giàu nồi canh”. Một vi phạm làm ảnh hưởng đến cả một vùng trồng, đằng sau đó là biết bao người nông dân một sương hai nắng”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, từ năm 2023 tới tháng 2/2025 nổi lên vấn đề dư lượng hóa chất (thuốc trừ sâu và thuốc thú y) trong nông, lâm, thủy sản xuất khẩu. Tỷ lệ cảnh báo vi phạm từ EU trong năm 2023, 2024 và hai tháng đầu năm nay lần lượt: 38/67 (56,7%); 61/114 (53,5%); 5/16 (31,3%).