Lo ngại về cuộc đua áp thuế

Không còn là lời đe dọa, mức thuế mà Tổng thống Donald Trump áp dụng với hàng hóa Canada, Mexico và bổ sung đối với Trung Quốc đã có hiệu lực. Các đối tác của Mỹ “phản đòn” khi công bố áp thuế trả đũa. Cuộc đua thuế quan nóng lên, có nguy cơ dẫn tới cuộc chiến thương mại, gây bất ổn cho kinh tế thế giới.
Biếm họa: RAMSES
Biếm họa: RAMSES

Kể từ ngày 4/3, mức thuế 25% chính thức được áp dụng với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico vào Mỹ, riêng các sản phẩm năng lượng của Canada chịu thuế suất 10%. Với thuế 10% bổ sung cho mức đã áp đặt từ ngày 4/2 vừa qua, hàng hóa Trung Quốc chịu thuế tăng gấp đôi, lên 20%. Một ngày trước khi chính sách thuế quan mới có hiệu lực, Tổng thống Trump tuyên bố không còn cơ hội có thỏa thuận vào phút chót để ngăn chặn việc Mỹ áp dụng thuế quan mới.

Canada tuyên bố kế hoạch trả đũa, bằng cách áp thuế 25% ngay lập tức đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 30 tỷ CAD (khoảng 20,7 tỷ USD) và tiếp tục áp thêm với 125 tỷ CAD (86,2 tỷ USD) hàng hóa nếu Mỹ vẫn duy trì thuế quan sau 21 ngày. Thủ tướng Canada Justin Trudeau nêu rõ, chính sách thuế quan sẽ phá vỡ quan hệ thương mại, vi phạm chính Hiệp định Thương mại tự do Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) được ký kết trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump.

Mexico cũng công bố đáp trả bằng mức thuế tương thích áp với hàng hóa của Mỹ và sẽ sớm công bố các sản phẩm mà Mexico nhắm tới. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum khẳng định “không có lý do để Mỹ trừng phạt các đối tác thương mại lớn nhất của mình”. Bà nêu rõ, các mức thuế mà Mexico đáp trả không nhằm khơi mào cuộc đối đầu thương mại; và đáng tiếc lại trái ngược với những gì nên làm.

Đáp lại mức thuế mới của Tổng thống Trump, Trung Quốc công bố áp thuế bổ sung với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Mỹ từ ngày 10/3 tới. Theo đó, mức 10% áp với đậu nành, thịt lợn, thịt bò, sản phẩm sữa, thủy sản, trái cây, rau củ và 15% với thịt gà, lúa mì, ngô, bông. Trung Quốc cũng mở rộng kiểm soát việc kinh doanh với các công ty chủ chốt của Mỹ. Trong tuyên bố phản đối chính sách thuế quan của Mỹ, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại Trung Quốc đều khẳng định, sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ lợi ích hợp pháp.

Việc áp thuế với hàng hóa Canada, Mexico và Trung Quốc được Tổng thống Trump giải thích là nhằm gây sức ép để các đối tác hành động nhiều hơn nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép và dòng fentanyl vào Mỹ. Ngay sau khi ông Trump ký sắc lệnh áp thuế, Canada và Mexico đã tăng cường các biện pháp quản lý biên giới và trấn áp tội phạm ma túy. Cả hai nước cũng tiến hành đàm phán với Mỹ kéo dài cả tháng qua. Trong nỗ lực triệt phá các băng đảng ma túy, Mexico đã tịch thu hơn một tấn fentanyl và phá hủy 329 phòng thí nghiệm sản xuất methamphetamine. Canada liệt các băng đảng ma túy vào danh sách khủng bố, bổ nhiệm hẳn đặc phái viên chuyên về vấn đề fentanyl…

Tuy nhiên, những nỗ lực của hai nước láng giềng vẫn không đủ để ngăn cản quyết định áp thuế của Tổng thống Trump. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nhận định, cả Canada và Mexico đều đạt tiến triển trong vấn đề an ninh biên giới, nhưng cần hành động nhiều hơn nữa để hạn chế dòng fentanyl vào Mỹ.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh kiên quyết phản đối việc Mỹ áp thuế bổ sung gắn với vấn đề fentanyl. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng nhấn mạnh “Washington đã nhầm lẫn khi đổ lỗi cho Trung Quốc về khủng hoảng fentanyl tại Mỹ”.

Giới phân tích chỉ rõ, quyết định áp thuế của Mỹ ảnh hưởng trực tiếp mối quan hệ thương mại giữa Mỹ với hai đối tác truyền thống Canada và Mexico, đồng thời gây tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế hội nhập sâu rộng của khu vực Bắc Mỹ. Ủy ban châu Âu (EC) còn cảnh báo về nguy cơ gián đoạn thương mại toàn cầu, bất ổn kinh tế thế giới vào thời điểm mà hợp tác quốc tế cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.