Mới đây, Tập đoàn Amkor (được thành lập song song giữa Mỹ và Hàn Quốc, sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu) đã xin cấp phép để nâng công suất tối đa nhà máy bán dẫn trị giá 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh từ 1,2 tỷ lên 3,6 tỷ sản phẩm mỗi năm. Hiện nhà máy đang hoạt động một phần với công suất 420 triệu sản phẩm (147 tấn/năm) và dự kiến sẽ mở rộng vào tháng 9/2025, sau đó đi vào sản xuất ổn định từ tháng 10/2025.
Đáng chú ý, một số thiết bị của nhà máy này được chuyển trực tiếp từ các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc. Dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất và tiên tiến nhất tập trung vào công nghệ đóng gói bán dẫn thế hệ mới.
Sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Chính phủ
Trước đó, cuối năm 2024, Hana Micron - Tập đoàn công nghệ Hàn Quốc, đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 930 triệu USD để mở rộng hoạt động đóng gói chip tại Việt Nam đến năm 2026 nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng muốn dịch chuyển một phần công suất sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Chia sẻ lý do lựa chọn Việt Nam, ông Lee Dong-Chul, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hana Micron cho biết, Việt Nam có môi trường đầu tư năng động với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Chính phủ, hạ tầng phát triển và nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí hợp lý. “Đây là những lý do khiến nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ cao”.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến hết năm 2024, Việt Nam có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Chúng ta bước đầu xây dựng được hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn với đầy đủ các công đoạn trong chuỗi giá trị, tập trung chủ yếu vào hai lĩnh vực chính, từ thiết kế chip bán dẫn đến đóng gói, lắp ráp...
Đây là minh chứng cụ thể cho những nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam với nhiều quy định pháp luật đã được rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Cụ thể, vi mạch và phát triển vi mạch được xếp vào danh mục các sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên khuyến khích phát triển. Về đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, đặt mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó, có ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế; 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử; 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Về chuẩn bị các điều kiện cần thiết, Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Việc chuẩn bị quỹ đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước) để kết nối các hệ sinh thái ngành và giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp được đẩy nhanh. Thủ tục đầu tư kinh doanh, các dự án bán dẫn khi đầu tư vào Việt Nam có Tổ công tác liên ngành hỗ trợ các thủ tục để triển khai nhanh chóng, thuận tiện.
Nhân rộng mô hình hợp tác thành công
Từ ngày 12 - 16/3, tại Hà Nội và Đà Nẵng sẽ diễn ra Hội nghị quốc tế về “Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn 2025” (AISC 2025) với sự tham gia của hơn 1.000 chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp có ảnh hưởng trên thế giới trong lĩnh vực AI và bán dẫn như Google DeepMind, IBM, Intel, TSMC, Samsung, MediaTek, Tokyo Electron, Panasonic, Qorvo, Marvell cùng nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu khác đến từ Silicon Valley (Mỹ) và nhiều quốc gia, nền kinh tế phát triển.
Chia sẻ thông tin tại buổi họp báo, TS Christopher Nguyễn, nhà sáng lập Aitomatic, Mỹ (đơn vị đồng tổ chức) cho biết, đây là sự kiện quốc tế quan trọng về sự kết hợp giữa AI và bán dẫn, mang đến cơ hội tiếp cận những thông tin mới nhất và khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, AI toàn cầu. “Việt Nam đang là điểm đến và nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu nhờ sự ổn định chính trị, giữ vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với dân số hơn 100 triệu người trẻ. Đây là những lý do khiến Việt Nam có cơ hội chưa từng có trong quá trình đổi mới công nghệ và phát triển”.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Vũ Quốc Huy, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, có vị trí địa chính trị chiến lược, có lực lượng lao động trẻ dồi dào am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hiện đại, thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Để tận dụng “thời cơ vàng” đẩy nhanh sự phát triển lĩnh vực AI và bán dẫn trong nước, cũng như nhân rộng mô hình hợp tác thành công với Tập đoàn NVIDIA trong việc đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển về AI tại Việt Nam, NIC đã và đang triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển, ứng dụng công nghệ để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực mũi nhọn như AI và bán dẫn. AISC 2025 sẽ là một sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng cho ngành công nghiệp bán dẫn và AI nói riêng, cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam nói chung. “Chúng tôi mong muốn các chủ thể của hệ sinh thái sẽ tiếp tục đồng hành trên hành trình phát triển, góp phần tạo bứt phá trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng, vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước”, ông Vũ Quốc Huy cho biết.
Theo Bộ KH&ĐT, định hướng thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam vừa chính thức ban hành Nghị đ̣ịnh 182 quy định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) trong hai lĩnh vực này sẽ được hỗ trợ lên đến 50% chi phí đầu tư ban đầu.
Bộ KH&ĐT có NIC đã hợp tác với nhiều đối tác hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn như Cadence, Siemens, Intel, Coherent, Đại học Bang Arizona (Mỹ), Đại học Dương Minh Giao Thông (Đài Loan, Trung Quốc) để hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. Đồng thời, phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn của quốc tế và trong nước để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp với các viện nghiên cứu lớn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc),... để đặt các văn phòng đại diện, trung tâm nghiên cứu phát triển tại NIC.
Như vậy, Việt Nam đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn như nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh; sự đầu tư và nâng cấp mạnh về cơ sở hạ tầng; cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở; và quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ.