Tạo lực cho đòn bẩy công nghiệp văn hóa

Trong bối cảnh hội nhập và chuyển mình của nền kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa đang được xem là “chìa khóa” thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo động lực đổi mới sáng tạo, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có giá trị kinh tế cao. Vai trò từ Nhà nước, doanh nghiệp cho đến cộng đồng sáng tạo ngày càng được đòi hỏi cao.
0:00 / 0:00
0:00
Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể sáng tạo có thêm nhiều sản phẩm chất lượng.
Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể sáng tạo có thêm nhiều sản phẩm chất lượng.

Giúp “người kiến tạo” linh hoạt hơn

Nhà nước là chủ thể chủ đạo trong việc định hướng, xây dựng chính sách và tạo hành lang pháp lý cho các ngành công nghiệp văn hóa. PGS, TS Bùi Hoài Sơn Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Đảng và Nhà nước đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong thể chế xã hội. Chúng ta có nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, trong đó có nội dung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đi đôi với việc hoàn thiện thị trường văn hóa. Chúng ta có chiến lược của Chính phủ trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, nếu thể chế pháp lý không tháo gỡ được những nút thắt, sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, một trong những vấn đề lớn nhất là việc “khóa cứng” của hệ thống pháp luật và các quy định chưa thật sự linh hoạt, gây khó khăn cho sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Nếu có quá nhiều quy định, đôi khi chúng ta lại hạn chế sự phát triển. Cùng quan điểm đó, Thạc sĩ Đỗ Quang Minh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ, chính sách của Nhà nước không chỉ là kim chỉ nam về pháp lý mà sẽ còn tạo ra môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo và đầu tư, giúp các doanh nghiệp, cá nhân tự do thể hiện tài năng của mình.

Để doanh nghiệp văn hóa không phải “tự bơi”

Trong khi Nhà nước tạo ra “sân khấu”, kinh tế tư nhân (doanh nghiệp văn hóa) chính là “diễn viên” chủ động biến những ý tưởng sáng tạo thành các sản phẩm cụ thể có giá trị kinh tế. Về vấn đề này, Thạc sĩ Đỗ Quang Minh nhận xét, các doanh nghiệp văn hóa hiện nay đã chứng tỏ được khả năng “chuyển hóa” giá trị tinh thần thành những sản phẩm thiết thực, từ các tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, thời trang cho đến sản phẩm du lịch văn hóa. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo ra những sản phẩm văn hóa có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp văn hóa đã biết tận dụng các “mốc thời gian vàng” để mở rộng thị trường, đưa sản phẩm ra nước ngoài, đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao vị thế của văn hóa Việt.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, con đường phát triển của các doanh nghiệp văn hóa vẫn gặp không ít thách thức. Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, CEO Công ty Sunny Vietnam cho rằng, sự thiếu hụt nguồn lực tài chính, hạn chế về công nghệ và khó khăn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế là những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa. Nhiều chủ doanh nghiệp đề xuất, việc xây dựng quỹ đầu tư cho công nghiệp văn hóa là cần thiết nhằm thu hút các nguồn lực tài chính, giúp doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam, ở Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa hầu như toàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn các doanh nhân tham gia vào công nghiệp văn hóa là những nghệ sĩ sáng tạo. Họ rất mạnh mẽ, khát khao… nhưng tư duy, sự hiểu biết về mặt quản lý thị trường còn hạn chế dẫn đến nhiều rủi ro. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp bị phá sản.

Chính vì vậy, các chủ thể này rất cần sự “nâng đỡ” của Nhà nước. Nhưng như TS Phương liên hệ thực tế thì cũng thật buồn khi các doanh nghiệp văn hóa đang gặp khó khăn thì họ lại phải chịu sự tăng thuế VAT lên mức 10%. TS Phương kỳ vọng: Chúng ta sẽ không phải nói từ ước đạt nữa mà sẽ là năm 2025 công nghiệp văn hóa đóng góp 4% vào GDP và tạo việc làm cho hơn một triệu người lao động.

Trụ cột của giá trị tinh thần và yêu cầu kết nối

Bên cạnh Nhà nước và doanh nghiệp, cộng đồng sáng tạo, những nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà văn, nhạc sĩ và các nhà sáng tạo là nguồn lực không thể thiếu trong việc tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo. Trong “nhịp sống mới” của thời đại số, khi mà mọi thứ đều chuyển động nhanh chóng, mỗi chủ thể tham gia đều mang theo những thế mạnh riêng biệt, góp phần tạo nên “câu chuyện thành công” của công nghiệp văn hóa Việt Nam. Như PGS, TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ, sau thời gian với nhiều nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đến ngày hôm nay chúng ta có thể tin rằng đã có những thành công. Video âm nhạc “Bắc Bling” của nghệ sĩ trẻ Hòa Minzy nhắc chúng ta rằng, công nghiệp văn hóa đã trở thành xu hướng. Ai cũng mong muốn tinh thần của công nghiệp văn hóa sẽ là tinh thần xuyên suốt để chúng ta tạo nên những sản phẩm độc đáo của mình.

Có thể thấy rằng, sự thành công của công nghiệp văn hóa phải đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể. Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp như việc, sửa đổi luật đầu tư, thay đổi cơ chế hợp tác công tư để các doanh nghiệp tư nhân nhận được sự hợp tác của Nhà nước. Hay nương nhờ vào mạng lưới các thành phố sáng tạo có những tiêu chí, sáng kiến rất rõ ràng tạo ra cơ chế đặc thù cho các địa phương để phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là Hà Nội với Luật Thủ đô.

Bên cạnh đó, sự tham gia của công chúng, người tiêu dùng văn hóa cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Khi người tiêu dùng văn hóa ngày càng được khuyến khích tham gia vào quá trình đánh giá và tiêu thụ sản phẩm, thì sẽ tạo ra một thị trường văn hóa lành mạnh, nơi những sản phẩm có chất lượng thật sự được công nhận và lan tỏa rộng rãi.