KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP (25/8/1911 - 25/8/2021)

Vị tướng huyền thoại (kỳ 2)

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được nhắc đến thường xuyên trên sách báo, nếu tính lượng trích dẫn câu nói của ông có lẽ cũng không thua kém bất kỳ học giả hàng đầu nào trên thế giới. Dù có một số quan điểm khác nhau, song ông luôn được xem là một nhân vật hấp dẫn trong biên niên sử của chiến tranh hiện đại. Đặc biệt đến nay, tư tưởng quân sự của ông vẫn là nguồn tham khảo hoặc truyền cảm hứng sáng tác, hay nói cách khác là vẫn “sống” trong dòng chảy thế giới. 

Cuộc gặp giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara. Ảnh: NEW YORK TIMES
Cuộc gặp giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara. Ảnh: NEW YORK TIMES

Kỳ 2: Dấu ấn trong dòng chảy thế giới

(Tiếp theo và hết)

Cuộc gặp gỡ với hai tướng lĩnh Israel

Trong bài viết của cây bút Haviv Rettig Gur trên tờ The Times of Israel có một chi tiết: “Tướng Giáp là một trong những bộ óc chiến lược vĩ đại của thế kỷ 20, một cựu giáo viên đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển tư duy chiến lược và khả năng tổ chức, biến các vùng nông thôn thành lực lượng quân sự có thể đánh bại các quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới, từ Nhật Bản cho đến người Pháp và người Mỹ trong ba thập kỷ dài xung đột, mà đỉnh điểm là thống nhất đất nước vào năm 1975”. Theo bài viết, từ danh tiếng lẫy lừng của ông, mà giữa những năm 90 của thế kỷ trước, hai vị tướng sắp nghỉ hưu của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã bày tỏ mong muốn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Một người là Thiếu tướng Meir Dagan thuộc IDF, sau này là Giám đốc cơ quan tình báo Mossad của Israel. Người khác là Yossi Ben Hanan, một quân nhân từng chỉ huy lữ đoàn tăng thiết giáp và bộ phận nghiên cứu, phát triển của IDF. Đến giữa những năm 1990, hai cựu tướng lĩnh quân đội Israel khi đó sắp nghỉ hưu đã lên kế hoạch cùng nhau du lịch Việt Nam. Và vì cả hai đều đam mê lịch sử quân sự, khi xin thị thực họ đã đưa ra yêu cầu đặc biệt là được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi đó Đại tướng đã ngoài 80 tuổi.

Cả hai đều rất bất ngờ khi yêu cầu đã được chấp thuận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý gặp họ. “Khi hai người Israel đến Việt Nam, họ đã ngồi lại với người chỉ huy đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là một cuộc gặp kéo dài”, tác giả bài viết dẫn lời ông Ben Hanan (được ghi lại trong nghiên cứu của Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem) khi kể lại câu chuyện này.

Không phải ngẫu nhiên mà ấn tượng của Đại tướng lại in sâu vào tâm trí của hai tướng lĩnh Israel. Dù tuổi đã cao, sự am tường chính trị thế giới của Đại tướng không chỉ ở vấn đề xung đột Israel - Palestine, mà nhiều người từng gặp cũng đồng tình rằng, ông vẫn rất sắc sảo trong các vấn đề thời sự. Đạo diễn nổi tiếng về đề tài chiến tranh người Nhật Bản Matsumoto Takeaki, người đã dựng phim “Điện Biên Phủ - Cuộc chiến 56 ngày đêm làm thay đổi thế giới”, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người dẫn chuyện. Bộ phim phát sóng lần đầu trên đài NHK ở Nhật Bản vào tháng 7/2004 và sau đó được nhiều đồng nghiệp lấy làm tư liệu. Theo NHK, đạo diễn Takeaki kể lại ấn tượng về câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Điện Biên Phủ là điểm hẹn của lịch sử. Mỗi người đều có thể rút ra bài học lịch sử Điện Biên Phủ cho bản thân mình, cho công việc của mình”. Sau này, nhiều nhà quan sát, bình luận thế giới đã dẫn lại những câu nói của Đại tướng khi dẫn chứng về cuộc tiến công của Mỹ vào Iraq năm 2003 và sa lầy nhiều năm ở đó: “Bất cứ lực lượng nào muốn áp đặt ý chí của mình lên các dân tộc khác đều nhất định thất bại”.

Vị tướng huyền thoại (kỳ 2) -0
Sử gia John Prados. Ảnh: GETTY 

Đặc sắc trong nghệ thuật quân sự

Trong sử sách, sách chiến lược quân đội hay các nghiên cứu quốc tế, vị tướng Việt Nam được nhấn mạnh với những kinh nghiệm dạn dày, người “đã sáng tạo Đường mòn Hồ Chí Minh, một mạng lưới bí mật trong rừng rậm uốn lượn qua cả các nước láng giềng Lào và Campuchia để tăng viện quân cho mặt trận phía nam”. Đó là ý kiến của GS, sử gia John Prados, tác giả hàng chục cuốn sách về chiến tranh Việt Nam, người từng sang Hà Nội vào năm 1996 tham gia một hội nghị giữa các quan chức, nhà sử học Mỹ với các quan chức và nhà sử học Việt Nam, đồng thời đã dự “cuộc gặp lịch sử” giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ  Robert McNamara. 

Tư liệu của GS John Prados có ghi: “Lực lượng Pháp tại Điện Biên Phủ bị lực lượng Việt Minh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dồn ép vào một không gian rất nhỏ, ngày càng tuyệt vọng chờ đợi sự can thiệp từ bên ngoài và tin đồn về một cuộc ném bom của Mỹ đã lan truyền khắp trong doanh trại”. Tư liệu này được nhắc đến trong văn bản về “Chiến dịch Kền kền” - bản kế hoạch của Mỹ nhằm cứu lực lượng Pháp tại Điện Biên Phủ bằng một cuộc không kích sử dụng máy bay ném bom hạng nặng B-29 của FEAF (Lực lượng Không quân Viễn Đông).

Trong một cuốn sách khác, “Tướng Giáp: Chính khách và nhà chiến lược” (General Giap: politician and strategist) của nhà nghiên cứu lịch sử quân sự hàng đầu Australia, Robert O’Neil đã ghi lại tiểu sử, quá trình hoạt động cũng như những nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự và tạo lập thế trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tướng. Một nghiên cứu khác của GS Robert O’Neil về chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1964 cũng là tư liệu được trích dẫn nhiều lần.