Hội họa Hàm Nghi - “Một mảnh tình riêng…”

Người Việt Nam đều biết Hàm Nghi (1871-1944) là một vị vua yêu nước, người đã ban chiếu Cần Vương kêu gọi muôn dân chống Pháp để “khôi phục lại bờ cõi”. Nhưng kể từ triển lãm 150 tác phẩm của ông do Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ năm của nhà vua, tổ chức tại Pháp, năm 2022, một phần đời đặc biệt khác của nhà vua, trong tư cách một họa sĩ, mới được giới thiệu nhiều ở trong nước và ngày càng được công chúng quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Vua Hàm Nghi, Phong cảnh với cây bách (Menthon-Saint-Bernard), sơn dầu, 27 x 40cm, 1906. Nguồn: Viện Pháp tại Việt Nam.
Vua Hàm Nghi, Phong cảnh với cây bách (Menthon-Saint-Bernard), sơn dầu, 27 x 40cm, 1906. Nguồn: Viện Pháp tại Việt Nam.

1 Bên cạnh họa sĩ Lê Văn Miến (1874-1943), vua Hàm Nghi là người sớm thực hành hội họa theo giáo trình Tây phương. Ông là thí dụ tiên phong và điển hình cho lối tiếp cận giao thoa mỹ thuật Á-Âu, tiếp thu mà không hòa tan, vẫn giương cao ngọn cờ bản sắc của cá nhân và của dân tộc theo cách riêng của mình.

Vua Hàm Nghi học vẽ dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Marius Reynaud (1860-1935), một trong những họa sĩ Pháp sống và vẽ tranh ở thuộc địa Algerie, nơi nhà vua chịu án lưu đày.

Marius Reynaud theo đuổi trường phái ấn tượng và hậu ấn tượng, chối bỏ sự cứng nhắc của các nguyên tắc hàn lâm cổ điển để tập trung nắm bắt cảm hứng nhất thời. Một minh họa rõ rệt của ảnh hưởng từ trường phái này lên hội họa Hàm Nghi là tác phẩm Bên bìa rừng. Những tông màu nhạt được ông sử dụng để thể hiện sự trong suốt của ánh nắng trên ngọn cây rọi xuống con đường đất nâu và thảm cỏ xanh ven rừng. Sắc vàng rực rỡ trên tán lá đối thoại trực tiếp với sắc vàng mỏng tang của vệt nắng dưới đất. Người vẽ tập trung vào điểm nhìn nội tâm của chính mình, hướng tới khu rừng, truyền tải cách một chiếc lá cũng có thể lấp đầy khoảng trống trong lòng. Ông dẫn dắt người xem bước vào khung cảnh sâu lắng của góc rừng, mà dường như cũng chính là góc tâm hồn riêng tư và lắng đọng của ông. Trên mặt đất, những giọt nắng điểm xuyết trên thảm cỏ và con đường tạo nên sự tương phản, khiến cho không khí bức tranh trở nên ngọt ngào và ấm áp.

2 Tác phẩm Bờ rừng (hồ Geneva) là một trong những bức tranh cuối cùng của vua Hàm Nghi, vẽ cảnh hồ Geneva mà ông trực tiếp được nhìn ngắm trong vài lần hiếm hoi di chuyển từ Algerie tới Pháp để chữa bệnh. Giống như bức tranh Bên bìa rừng, họa sĩ dường như muốn thời gian ngưng đọng để lưu lấy khoảnh khắc chóng vánh của ánh nắng chiều tà rọi qua mặt hồ. Hàng cây ngược sáng đổ bóng xuống vệ cỏ ở tiền cảnh, cùng với mặt hồ và khoảng trời, phân chia không gian thành năm, sáu lớp, tạo ảo giác về chiều sâu không gian trên tranh. Nếu mỗi bức tranh là một lát cắt tâm tư, phải chăng, đây là một ẩn dụ về chặng cuối của kiếp nhân sinh, sau cuộc bể dâu, vẫn nhìn ra, cảm kích vẻ đẹp trong từng khoảnh khắc đã, đang và sắp vụt trôi?

Ta hãy ngắm bức Quang cảnh dinh thự El Biar. Trong tình cảnh bị chính quyền thực dân kiểm soát mọi liên lạc, nhà vua không vẽ (hoặc không thể vẽ) cảnh Việt Nam, dù nhớ quê khắc khoải. Vì vậy, có lẽ cách phù hợp nhất để vua Hàm Nghi thể hiện nỗi nhớ quê là qua bảng mầu và bố cục đặc trưng của làng quê Việt Nam. Ở đây, nhà vua vẽ một cây đại thụ đứng trước cánh đồng, tương tự như cây đa đầu làng thân thuộc tỏa bóng mát cho dân làng và khách thập phương. Và phải chăng, đây cũng là lý do vì sao đại đa số các bức tranh của vua Hàm Nghi đều có hình ảnh cây cổ thụ…

Từ khi lên ngôi (lúc 13 tuổi), vua Hàm Nghi đã trải qua những thăng trầm khuynh đảo, với kết cục hơn nửa thế kỷ bị lưu đày biệt xứ. Đứng trước những bức tranh của ông, có lẽ người xem cũng cảm nhận được một nỗi buồn miên man, khi đau đáu, lúc man mác. Trong cảnh tha phương, nhà vua nhìn ráng trời, tán cây, hay mặt hồ, đều vận vào tâm tư chính mình mà phóng chiếu lên giá vẽ. Ông vẽ cảnh nhưng thật ra là vẽ tình, cả tình riêng và tình chung.

Các tác phẩm của vua Hàm Nghi đã bị phủ bụi một thời gian dài. Giờ đây, với nỗ lực của nhiều tổ chức, cá nhân, công chúng trong nước đã có cơ hội thưởng thức trực tiếp gia tài hội họa của một vị vua yêu nước.

Hội họa Hàm Nghi - “Một mảnh tình riêng…” ảnh 1

Vua Hàm Nghi, Bờ rừng (hồ Geneva), 38 x 55 cm, sơn dầu, khoảng 1920.

Nguồn: Viện Pháp tại Việt Nam

Triển lãm “Trời, non, nước” giới thiệu 20 bức tranh sơn dầu và một phác thảo của nhà vua Hàm Nghi, diễn ra từ ngày 25/3 đến ngày 6/4, tại Điện Kiến Trung, thành phố Huế. Đây là sự kiện do tạp chí Art Republik Việt Nam phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức. Ace Lê, tác giả bài viết, và Tiến sĩ Amandine Dabat là hai giám tuyển của triển lãm nói trên.