Điều này dẫn đến sự sai lệch nghiêm trọng về giá trị đặc sắc, độc đáo của cồng chiêng Tây Nguyên. Đáng lo ngại hơn là, cách làm này, được lan tỏa với danh nghĩa của các nghệ nhân, đang trở nên khá phổ biến trong đời sống, và, trong nhiều trường hợp, được mặc định đó là vốn cổ.
Trong một lần đến làng Chuông, nơi nổi tiếng với nghề làm nón có truyền thống hàng trăm năm qua, tôi được gặp và trò chuyện với hai “nghệ nhân” làm nón đã có “thâm niên” trong nghề nhiều chục năm rồi. Sở dĩ phải đóng khung hai chữ “nghệ nhân”, bởi họ chưa được một tổ chức nào công nhận danh hiệu này. Theo chia sẻ của hai người thợ nón bình dị nhưng rất thạo nghề ấy, họ không nộp đơn xin công nhận nghệ nhân bởi thấy không cần thiết, nhưng một số người đã được công nhận nghệ nhân ở làng thì vẫn thỉnh thoảng đến mượn khung làm nón của họ, bởi họ đang lưu giữ được mấy chục mẫu khung làm nón, trong đó có những mẫu rất hiếm, ít người làm được. Và gia đình họ là địa chỉ được tìm kiếm của nhiều đoàn nghệ thuật, khi cần đặt hàng những mẫu nón độc đáo.
Xét tặng danh hiệu nghệ nhân là một trong những giải pháp bảo tồn di sản phi vật thể đã được Nhà nước triển khai từ nhiều năm nay, và đã mang lại những kết quả rất ý nghĩa. Việc tôn vinh những con người đang nắm giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của cha ông truyền lại không chỉ có ý nghĩa động viên, khích lệ các nghệ nhân nỗ lực giữ lửa và truyền lửa nghề cho hậu thế, danh hiệu đó đồng thời là một sự công nhận của cơ quan chức năng đối với những kiến thức dân gian mà họ đang nắm giữ. Bởi vậy, cần cẩn trọng và khoa học hơn nữa trong việc xét công nhận danh hiệu này, tránh để bỏ sót, hay chọn nhầm nghệ nhân, bởi điều đó sẽ tạo nên những tác động dây chuyền trong việc lưu giữ và phát huy vốn cổ.
![]() |
Cần những chính sách tốt để tôn vinh nghệ nhân. |