Nguy cơ mai một, thất truyền
Lâu nay, việc thiếu hụt nhân lực trẻ trong biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, múa rối nước, ca kịch bài chòi, nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế là thực tế hiện hữu, khiến cho việc truyền nghề, trao nghiệp trở nên ngày càng khó khăn.
Đơn cử như với nghệ thuật diễn xướng Cung đình Huế, kể từ năm 2003, sau khi UNESCO vinh danh Nhã nhạc là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chính quyền và cộng đồng địa phương cũng đã làm được rất nhiều việc nhằm đưa di sản này trở lại với đời sống đương đại, trong đó phải kể đến việc khôi phục biểu diễn định kỳ cả ba loại hình nhã nhạc, tuồng cung đình và múa hát cung đình tại hai nhà hát Duyệt Thị Đường và Minh Khiêm Đường. Nhiều hội thảo, công trình sưu tầm, nghiên cứu đã được thực hiện, nhằm tìm lại các đặc trưng khởi nguyên, các tiếp biến theo thời gian để có phương thức bảo tồn, phát huy giá trị phù hợp.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Trương Trọng Bình (Nhà hát Truyền thống Cung đình Huế), do trải qua quá nhiều năm bị mai một, lãng quên, việc bảo tồn một cách đúng nghĩa các giá trị của nghệ thuật diễn xướng Cung đình Huế “vẫn còn cực kỳ khó khăn”: “Các nghệ nhân cung đình nắm giữ bí kíp nghề nghiệp của loại hình nghệ thuật diễn xướng này đã không còn nữa, và hậu thế của họ cũng chỉ tiếp nhận được một cách chưa thật sự trọn vẹn. Ngoài ra, những tác động khách quan cũng như chủ quan đã khiến nhiều tài liệu, văn bản bị thất lạc”, ông Bình nhấn mạnh. Được biết, cụ Lữ Hữu Thi, người được coi là nghệ nhân nhã nhạc cuối cùng của triều Nguyễn, đã qua đời, năm 2016.
Trong một khảo sát gần đây về thực trạng nghệ thuật múa rối nước ở làng Đào Thục (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), Tiến sĩ Lê Thị Cúc (Đại học Văn hóa Hà Nội) đề cập: “Có đến hàng trăm trò diễn độc đáo được các nghệ sĩ dân gian sáng tạo qua hàng trăm năm, hiện vẫn còn nằm im trong ký ức của những nghệ sĩ cao niên mà vì tuổi cao, không thể diễn được nữa”. Trong khi đó, diễn viên trẻ của làng mới chỉ được đào tạo ngắn ngày, chưa thuần thục tay nghề, thiên về biểu diễn mang tính chất phục vụ du khách hơn là bảo tồn tinh hoa của làng rối truyền thống này.
Số lượng bạn trẻ đăng ký tuyển sinh vào các ngành biểu diễn nghệ thuật truyền thống bậc đại học tại Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội đang sụt giảm nghiêm trọng, mặc dù nhà nước có một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ, như giảm tối đa học phí cho sinh viên. Trong vòng 5 năm trở lại đây, ở từng bộ môn chèo, cải lương, nhạc công kịch hát dân tộc, số lượng sinh viên tốt nghiệp có thể đếm trên đầu ngón tay. Theo bà Cao Thị Phương Dung, giảng viên khoa Sân khấu, riêng bộ môn cải lương, trong ba năm liền 2021, 2022, 2023, “không có thí sinh đăng ký dự tuyển”; ngành diễn viên múa rối cũng đã tạm dừng tuyển sinh trong năm 2024, vì năm 2023 không có thí sinh dự tuyển, năm 2022 tuyển được 5 em nhưng hiện chỉ còn ba em theo học.
Kết hợp sáng tạo mọi phương thức bảo tồn để lan tỏa giá trị
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, những người đang công tác trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật truyền thống đều đề cập giải pháp tận dụng các nền tảng trực tuyến để trước tiên là quảng bá rộng rãi hơn nữa các loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Giới trẻ, công chúng quốc tế có biết đến, có hiểu rồi mới yêu và cùng chung tay quảng bá, giữ gìn, phát huy giá trị của các loại hình này. Một thí dụ: kênh YouTube chính thức của nghệ sĩ Hữu Duy (Nhà hát Quan họ Bắc Ninh) có gần 140 nghìn tài khoản đăng ký theo dõi, với hơn 500 video về dân ca quan họ, hiện đạt hơn 47 triệu lượt xem; như vậy để thấy khả năng lan tỏa mạnh mẽ của truyền thông thị giác trong thời đại số hóa này.
Nhà nghiên cứu Trần Văn Hiếu, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam, cho rằng, việc tạo ra các trang web và ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp thông tin chi tiết về một loại hình nghệ thuật dân tộc, như hát xoan chẳng hạn, sẽ giúp giới trẻ dễ tiếp cận và tìm hiểu. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thực tế ảo để tái hiện không gian biểu diễn nghệ thuật truyền thống mang đến cho người dùng khắp nơi trên thế giới trải nghiệm chân thực về một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được sinh ra và giữ gìn bởi dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập quốc tế, để các dữ liệu số hóa có thể phát huy tối đa giá trị, đăc biệt là với các di sản đã được UNESCO ghi danh, việc giới thiệu, quảng bá di sản thông qua ngoại ngữ, trước mắt là tiếng Anh, cũng rất cần được coi trọng. Một video dân ca, có phần phụ đề tiếng Anh chắc chắn sẽ tăng sức hấp dẫn bội phần. Được biết, tất cả các hồ sơ di sản vật thể và phi vật thể được đệ trình lên UNESCO đều bằng tiếng Anh, đây là nguồn dữ liệu ban đầu quan trọng, hoàn toàn có thể đưa vào khai thác, sử dụng một cách hiệu quả, thông qua các chương trình hợp tác với các đơn vị sản xuất nội dung số.