Những chỉ dấu đáng mừng

Năm Quý Mão 2023 có lẽ là một năm "hồi cố" của mỹ thuật Việt Nam, với rất nhiều triển lãm, sách giới thiệu tác phẩm của các họa sĩ thế hệ trước. Bên cạnh đó, nhiều không gian trưng bày nghệ thuật mới cũng xuất hiện, không còn tập trung ở trung tâm các đô thị lớn, mà tỏa dần ra vùng ngoại vi, khu vực đô thị mới. Đây là những chỉ dấu đáng mừng về bước phát triển của đời sống mỹ thuật đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Những giây phút lắng đọng của khán giả trước nhiều bức ký họa của cố họa sĩ Ngọc Thọ. Nguồn: VNFAM
Những giây phút lắng đọng của khán giả trước nhiều bức ký họa của cố họa sĩ Ngọc Thọ. Nguồn: VNFAM

Những giá trị vượt thời gian

Họa sĩ Linh Chi (tên thật là Nguyễn Tài Lương, 1921-2016), và họa sĩ Ngọc Linh (tên thật là Vi Văn Bích, sinh năm 1931) là hai trong số 22 học viên Khóa Mỹ thuật Kháng chiến (1950-1954), khóa học chính thức đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam, nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, do hiệu trưởng-họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng một số họa sĩ tên tuổi khác trực tiếp giảng dạy. Họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) là cán bộ tập kết, được tuyển vào học Khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957), tiếp ngay sau Khóa Mỹ thuật Kháng chiến và là khóa học đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam kể từ khi hòa bình lập lại. Đây là khóa học rất ý nghĩa bởi được mang tên vị hiệu trưởng-họa sĩ tài danh để tưởng niệm ông. Khóa học được tiếp thu kiến thức từ vị hiệu trưởng-bậc thầy Trần Văn Cẩn. Họa sĩ Phùng Phẩm (sinh năm 1932) tham gia kháng chiến khi mới 15 tuổi. Năm 1950, ông được chọn đi học tại Khu học xá Trung ương (Vân Nam, Trung Quốc). Ở đó, ông được làm quen với hội họa cũng như được hỗ trợ rèn luyện phẩm cách nghệ thuật từ người thầy là họa sĩ Nguyễn Khang.

Năm 2023, không hẹn mà gặp, những triển lãm và ấn phẩm giới thiệu sáng tác của họ đều được tổ chức giới thiệu đến công chúng rộng rãi. Triển lãm hội họa của các họa sĩ Phùng Phẩm, Ngọc Thọ được một hoặc một số nhà sưu tập trong nước chung tay giới thiệu. Gia đình cố họa sĩ Linh Chi giới thiệu ấn phẩm song ngữ Việt-Anh bao gồm hình ảnh của hơn 100 bức tranh của họa sĩ được sáng tác trong nhiều giai đoạn khác nhau, cùng chọn lọc các bài viết phê bình nghệ thuật, phân tích những giá trị thẩm mỹ trong hội họa của ông. Buổi ra mắt sách (do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành) được tổ chức cùng một triển lãm hơn 40 bức tranh của ông. Riêng họa sĩ Ngọc Linh đã lần đầu giới thiệu đến những người yêu Hà Nội và hội họa ấn phẩm đặc biệt: hình ảnh những góc phố, căn nhà di sản của thủ đô Hà Nội được ông vẽ trực họa từ những năm 90 thế kỷ trước… trên mặt sau những tờ vé xổ số nhỏ xinh: Những bức "tiểu họa" tươi sáng mầu sắc, chứa chan cảm xúc và sự phóng khoáng trong bút pháp cũng như cảm hứng sáng tác của họa sĩ.

Họ là những họa sĩ đã đi qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, những cuộc kháng chiến trường chinh và biến động thời thế. Mỗi người một hoàn cảnh sống khác nhau và điểm chung duy nhất nơi họ chính là tình cảm sâu sắc dành cho mỹ thuật. Họ chủ động lựa chọn một lối đi vừa vặn với tính cách, sức nghĩ của cá nhân và luôn yên tâm với lựa chọn ấy cho đến cuối hành trình, để lại nhiều bức tranh đượm dư vị thẩm mỹ và tinh thần thời đại.

Sự trở lại giới thiệu nghệ thuật của họ đã minh chứng cho những giá trị nghệ thuật vượt thời gian trong sáng tác của những họa sĩ tài năng, được khẳng định không chỉ bởi thế hệ công chúng cùng thời với họ mà cả thế hệ tiếp sau, nhất là những khán giả trẻ hôm nay.

Thêm nhiều bày biện đẹp

Trước đại dịch Covid-19, ở hai trung tâm mỹ thuật của đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các triển lãm lớn nhỏ hầu như chỉ diễn ra ở một số địa chỉ quen thuộc, như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, một số phòng tranh trên các con phố lớn ở khu vực trung tâm của hai thành phố. Nay, điều đó đang thay đổi.

Ở Hà Nội, số lượng phòng tranh, không gian nghệ thuật mới xuất hiện ngày càng nhiều, tản ra khắp các quận nội đô, đặc biệt xuất hiện một số tụ điểm trưng bày, thực hành workshop nghệ thuật ở khu vực nông thôn, được tổ chức định kỳ đều đặn, thu hút sự chú ý của cả người trong và ngoài giới. Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện thêm một bảo tàng mỹ thuật tư nhân cùng nhiều không gian trưng bày mỹ thuật mới ở các tòa nhà phức hợp trong nội đô, các khu đô thị mới, không gian làm việc chung. Ở hai trung tâm mỹ thuật này, khán giả bắt đầu làm quen với việc mua vé khi tham quan triển lãm hoặc đăng ký xếp lịch tham quan theo khung giờ nhất định. Đây là cách thức tổ chức sự kiện nghệ thuật của phía tư nhân, tiệm cận nguyên tắc trưng bày và tham quan triển lãm mỹ thuật theo thông lệ chung của thế giới, góp phần nâng cấp chất lượng thưởng ngoạn nghệ thuật cho khán giả.

Ở một số tỉnh, thành phố khác, như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Ninh Bình, Kon Tum, đã bắt đầu xuất hiện các mô hình bảo tàng/không gian trưng bày mỹ thuật tư nhân hoạt động công khai, thường xuyên diễn ra sự kiện, thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật cũng như công chúng.

Việc mở rộng biên độ của hoạt động mỹ thuật trong nước nói trên thể hiện nhu cầu thưởng ngoạn và mua, sở hữu tác phẩm mỹ thuật trong nước ngày càng cao và đa dạng, tạo thêm độ dày dặn cho nền tảng thúc đẩy phát triển thị trường mỹ thuật nội địa một cách thực chất và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc mở rộng biên độ này còn cho thấy những tín hiệu tích cực trong mối quan tâm và ưu tiên nhu cầu thẩm mỹ, cũng như đời sống tinh thần của ngày càng đông đảo công chúng, làm gia tăng vẻ đẹp của môi trường văn hóa nghệ thuật nói chung trên đất nước ta.