Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức: Một đời tận tụy với bục giảng

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức: Một đời tận tụy với bục giảng

NDO - Trong suốt gần 60 năm đứng trên bục giảng, Giáo sư Hà Minh Đức đã truyền đạt kiến thức và cảm hứng cho hàng nghìn sinh viên. Nhiều học trò của ông đã trở thành những nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn, nhà báo nổi tiếng, đóng góp quan trọng cho nền văn hóa và giáo dục nước nhà.

Sáng 23/5, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức sự kiện “Bài giảng danh dự" và lễ ra mắt ấn phẩm mới “Người thầy và những trang sách” cho Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức.

"NGƯỜI HIỀN” CỦA ĐẠI HỌC TỔNG HỢP

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức: Một đời tận tụy với bục giảng ảnh 1

Giáo sư Hà Minh Đức phát biểu tại chương trình. (Ảnh: HỮU TOÀN)

Trong không gian ấm áp, nhà giáo Hà Minh Đức bày tỏ sự xúc động: “Với tôi, đây là điều vinh dự, là niềm vui và là lòng biết ơn đối với nhà trường. Không có niềm vui nào bằng sự trân trọng của học trò dành cho mình. Tôi đã gắn bó với nghề dạy học gần 60 năm, nhưng nếu còn sức khỏe, còn được dạy nữa, tôi vẫn có thể tiếp tục cố gắng được”.

“Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, với tiền thân là Đại học Tổng hợp Hà Nội, sở hữu một đội ngũ giáo sư lỗi lạc, những người đã đặt nền móng và góp phần quan trọng trong sự phát triển của Khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam”, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn khẳng định.

Họ không chỉ là những nhà khoa học xuất sắc mà còn là những người thầy tận tâm, hun đúc tri thức và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên. Họ là những người đặt nền móng cho nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam, từ văn học, lịch sử, triết học đến báo chí, truyền thông. Từ đó, giúp nhà trường trở thành một trung tâm tri thức quan trọng, nơi đào tạo nhiều thế hệ học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà quản lý văn hóa có uy tín trong và ngoài nước.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, trong lớp “người hiền” ấy của nhà trường, Giáo sư Hà Minh Đức nổi bật là nhà nghiên cứu xuất sắc về văn học, đặc biệt là về Hồ Chí Minh và các nhà thơ lớn của dân tộc. Ông không chỉ giảng dạy mà còn giữ các vị trí quản lý quan trọng như Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn (từ năm 1987-1988) và là Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Báo chí (từ năm 1990-2000).

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức: Một đời tận tụy với bục giảng ảnh 2

Giáo sư Hà Minh Đức nhận hoa chúc mừng từ học trò cũ. (Ảnh: HỮU TOÀN)

Tiến sĩ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) chia sẻ, cách đây 35 năm, khi nền báo chí cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn chuyên nghiệp hóa và hội nhập thì tại Đại học Tổng hợp Hà Nội - ngôi trường đại học khoa học đầu ngành của cả nước, một khoa mới đã được thành lập: Khoa Báo chí.

“Và người thầy đầu tiên được giao trọng trách tổ chức, lãnh đạo và dẫn dắt đơn vị mới mẻ đó chính là Giáo sư Hà Minh Đức. Với tầm nhìn rộng mở, phương pháp đào tạo tiên tiến và đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy lý luận, cảm quan văn học và thực tiễn truyền thông, thầy đã đặt nền móng cho việc xây dựng chương trình đào tạo báo chí bài bản - nơi không chỉ truyền dạy kiến thức làm báo, mà còn bồi đắp tư tưởng, đạo đức và văn hóa cho người làm báo cách mạng”, Tiến sĩ Phan Văn Kiền bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn.

NHÀ GIÁO HÀ MINH ĐỨC TRONG KÝ ỨC CỦA CÁC THẾ HỆ SINH VIÊN

Trong sự kiện tri ân ý nghĩa này, các thế hệ học trò của Giáo sư Hà Minh Đức đã lắng nghe bài giảng danh dự của ông về “Văn hóa Hồ Chí Minh”. Đây cũng là tựa đề của cuốn sách tâm huyết mà ông vừa xuất bản mới đây.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức nói về văn hóa Hồ Chí Minh. (Video: HIẾU MINH)

“Cuốn sách này được tôi viết trong nhiều năm. Mỗi ý tứ đều được chọn lọc từ những tác phẩm mang yếu tố văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó, tiếp tục phân tích và tổng hợp”, nhà giáo Hà Minh Đức thông tin về quá trình thực hiện cuốn sách.

Giáo sư Hà Minh Đức nhận định, văn hóa Hồ Chí Minh được thể hiện qua tám khía cạnh chính như: văn hóa học đường, văn hóa và đời sống xã hội, văn hóa và ứng xử, văn hóa và báo chí, văn hóa và văn học-nghệ thuật, văn hóa và đổi mới, văn hóa quân sự và văn hóa với công tác tuyên giáo. Những tư liệu mà Người để lại là di sản vô giá.

Lắng nghe bài giảng danh dự của nhà giáo Hà Minh Đức, nhiều thế hệ học trò như được trở lại những năm tháng trên trên giảng đường đại học. Trong tâm trí của họ, hình ảnh về người thầy tận tụy vẫn vẹn nguyên.

Đối diện với thầy Đức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Long, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội vẫn thấy mình là cậu học trò bé nhỏ.

“Tôi có nhiều dịp được lắng nghe thầy nói chuyện về đời, về nghề, những trăn trở của mình trong công việc và cả những nỗi vất vả của người làm nghề giáo. Tôi từng trăn trở rằng, điều gì cần ở một nhà giáo. Và nhận ra, nghề giáo rất đặc biệt. Bên cạnh tài năng và phẩm chất vốn có, nếu ai không thật yêu nghề, ai không thật sự hy sinh thì khó theo đuổi nghề đến cùng. Vậy mà, 55 năm làm học trò của thầy, chưa bao giờ tôi thấy thầy than phiền”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Long chia sẻ.

Tiến sĩ Phan Văn Kiền chia sẻ về bài giảng danh dự của Giáo sư Hà Minh Đức. (Video: HIẾU MINH)

Bên cạnh sự nghiệp giảng dạy, Giáo sư Hà Minh Đức đã có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu văn học và báo chí. Ông là tác giả của 107 cuốn sách, bao gồm các công trình nghiên cứu về các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu như: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi...

Những công trình của ông không chỉ là tài liệu tham khảo quan trọng cho giới nghiên cứu, mà còn là những nhịp cầu kết nối, đưa người đọc đến gần hơn với chiều sâu văn hóa của dân tộc. Những cuốn sách ông viết, những bài giảng ông để lại, những tư tưởng mà ông theo đuổi sẽ tiếp tục đồng hành cùng những ai yêu văn chương và khao khát khám phá những giá trị nhân văn sâu thẳm trong đó.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức: Một đời tận tụy với bục giảng ảnh 3

Giáo sư Hà Minh Đức bên cuốn “Người thầy và những trang sách”. (Ảnh: HỮU TOÀN)

Ấn phẩm vừa ra mắt “Người thầy và những trang sách” đã khái lược lại 60 năm làm nghề giáo của thầy Hà Minh Đức qua góc nhìn của những học trò, đồng nghiệp.

“Cuốn sách tuy chỉ có 154 trang nhưng hàm chứa nhiều nội dung ý nghĩa với 8 chương được bố cục rõ ràng. Tôi vẫn nhớ mãi, năm thầy Hà Minh Đức 70 tuổi, nhà trường cũng đã phối hợp với các bên để cho ra mắt cuốn “Làm thầy và duyên nợ văn chương”. Năm thầy 80 tuổi, nhà trường cũng phối hợp cho xuất bản cuốn “Giáo sư Hà Minh Đức”. Còn năm nay, khi thầy 90 tuổi, cuốn “Người thầy và những trang sách” đã chính thức ra mắt độc giả”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Hường thông tin.

Thế nhưng, khác với những năm trước đó, cuốn “Người thầy và những trang sách” là tự Giáo sư Hà Minh Đức lên ý tưởng và làm việc trực tiếp với nhà xuất bản. Đó là điều đặc biệt của cuốn sách lần này.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức: Một đời tận tụy với bục giảng ảnh 4
(Ảnh: HỮU TOÀN)

Cầm trên tay cuốn “Người thầy và những trang sách”, nhà giáo Hà Minh Đức không kìm được nỗi xúc động. Trong giây phút ấy, ông gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới những người đã dẫn dắt mình đến với nghề giáo. “Tôi nhớ lắm các thầy của tôi, Giáo sư Đặng Thai Mai, Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn, Giáo sư Cao Xuân Huy… Họ đã truyền lại cho tôi một đạo đức đối với nghề giáo”, thầy Hà Minh Đức chia sẻ.

Cuộc đời của Giáo sư Hà Minh Đức là một hành trình dài đầy cống hiến cho giáo dục, nghiên cứu và văn hóa Việt Nam. Ông không chỉ là một nhà khoa học xuất sắc, một người thầy tận tụy mà còn là một nhân cách lớn, luôn đặt tri thức và đạo đức lên hàng đầu. Những gì ông để lại không chỉ là những công trình nghiên cứu, những thế hệ học trò, mà còn là một tinh thần học thuật, một tình yêu không bao giờ vơi cạn với nghề giáo và sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Tiểu sử Giáo sư Hà Minh Đức:

Sinh năm 1935 tại Xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

- Lịch sử công tác:

Từ năm 1957-1991: Giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội

Từ năm 1991-2000: Chủ nhiệm Khoa Báo chí, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ năm 1995-2003: Viện trưởng Viện Văn học.

- Các danh hiệu:

Nhà giáo Ưu tú

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân

Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì

Huân chương Lao động hạng Ba

Huân chương Lao động hạng Nhất

- Các giải thưởng:

Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ năm 2000

Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001

Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012

Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam về tác phẩm Đi tìm chân lý nghệ thuật năm 2009.

Giải thưởng Sách hay của Bộ Thông tin và Truyền thông về tác phẩm Một nền văn hóa nghệ thuật đậm bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú năm 2011.

Giải thưởng cuộc thi viết “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của Ban Tuyên giáo Trung ương về tác phẩm Hồ Chí Minh anh hùng dân tộc và tầm thời đại của Người năm 2015.

Giải thưởng Sách hay Quốc gia lần thứ nhất Bộ Thông tin và Truyền thông về tác phẩm Hà Nội - Gặp gỡ với nụ cười năm 2018.

back to top